Rắn hổ mang hụt mất bữa ăn đến miệng vì lý do bất ngờ
Cuộc chiến giữa 2 loài bò sát khổng lồ chỉ dừng lại khi có kẻ 'ngừng thở'.
Trong lần đi thăm quan Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi, nhiếp ảnh gia Helen Young đã bắt gặp cảnh chiến đấu sinh tồn giữa 2 con vật thuộc loài bò sát khổng lồ.
Theo như lời kể của Helen, dịp đó chị có chuyến đi một mình đến công viên quốc gia Kruger để trải nghiệm thế giới động vật hoang dã nơi đây, trong khi chồng của mình đang tham gia leo núi ở nơi khác. Theo kế hoạch, nhóm của Helen sẽ rời khỏi trại Shingwedzi để đi đến vùng Letaba. Di chuyển một đoạn không xa, bỗng nhiên nhiếp ảnh gia nhìn thấy dị vật ở giữa đường, không thể xác định. Khi đến lại gần, cô nàng mới "há hốc mồm" nhìn thấy một con rắn hổ mang lớn đang truy đuổi kỳ đà.
Đó là cuộc chiến giữa con rắn hổ mang khổng lồ và một con kỳ đà. Mặc dù kỳ đà là loài bò sát có vóc dáng tương đối lớn, có thể dài đến 2,5 - 3 m, tuy nhiên trong clip con vật này bị lép vế so với kẻ săn mồi.
Ngay từ mở đầu, con kỳ đà đã bị rắn hổ mang tấn công và ngoạm chặt vào một phía bên cổ. Hiếm có loài độc vật nào chịu được một vết cắn chứa đầy nọc độc của rắn hổ mang snouted (Naja annulifera) - một trong những loài rắn hổ mang to nhất châu Phi.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ), người bị rắn hổ mang cắn có thể ngừng thở chỉ sau 30 phút. Chất độc thần kinh của chúng có thể giết chết một con voi.
Nọc độc mà chúng sử dụng để kết liễu đối thủ có tên haditoxin thuộc nhóm neurotoxin (độc tố thần kinh) và nhiều thành phần khác, rắn hổ mang có thể điều tiết lượng nọc độc tiết ra phù hợp với từng loại đối tượng.
Nhưng bằng sức mạnh tuyệt vời của mình, con kỳ đà vẫn cố gắng chống cự, kéo con rắn ra tận giữa đường và nhiều lần suýt có thể bỏ trốn.
Thật không may cho nó, con rắn hổ mang vẫn kịp bám theo và bắt được. Con mồi dần trở nên kiệt sức, chậm chạp và gần như không còn sức phản kháng.
Cuối cùng, một chiếc xe hơi bất ngờ chạy ngang qua khiến con rắn bị hoảng sợ và bỏ lại con kỳ đà tội nghiệp ở lại trên đường.
Vì hiếu kỳ, nhiếp ảnh gia Helen đã ở lại để xem liệu con kỳ đà có còn sức để bỏ đi hay không. Tuy nhiên, có lẽ vì vết thương quá nặng con vật chỉ nằm thoi thóp được thêm một lúc rồi chết.