Rạn nứt thương mại với Bắc Kinh, Canberra 'xoay trục' xuất khẩu sang thị trường mới

Viện Quan hệ Trung Quốc-Australia thuộc Đại học Công nghệ Sydney cho biết, các lệnh cấm của Bắc Kinh nhằm vào hàng hóa Canberra đã tác động không đáng kể đến hầu hết các nhà xuất khẩu của xứ sở chuột túi.

Trung Quốc được cho là đang nhắm vào mặt hàng tôm hùm xuất khẩu của Australia trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước. (Nguồn: AFP)

Trung Quốc được cho là đang nhắm vào mặt hàng tôm hùm xuất khẩu của Australia trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước. (Nguồn: AFP)

Điều này cho thấy, sự phụ thuộc của Australia vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về thương mại đã không quá nghiêm trọng như một số dự đoán.

Khi lời kêu gọi bị thổi phồng

Theo nhận định của viện nghiên cứu trên, thị trường tự do đã cung cấp cho các nhà xuất khẩu Australia “cơ chế giảm thiểu rủi ro”, bao gồm cơ hội chuyển hướng hàng hóa sang các nước khác, hoặc chuyển sang cung cấp các sản phẩm khác.

Bên cạnh đó, bảo hiểm tài chính dưới dạng lợi nhuận bội thu sớm hơn từ việc bán hàng cho Trung Quốc đã giúp các doanh nghiệp Australia giảm thiểu rủi ro trong thời kỳ khó khăn hiện nay.

Do đó, khi chính phủ Australia hoặc những nơi khác, chẳng hạn như Mỹ, kêu gọi "hành động tập thể" để đẩy lùi "hành vi ép buộc kinh tế" của Trung Quốc, giới phân tích cho rằng, lời hô hào này có thể bị thổi phồng quá mức.

Nguyên nhân là các thương nhân đều có khả năng tự cân nhắc những rủi ro cũng như lợi ích từ các mối quan hệ thương mại.

Tuy nhiên, theo hai tác giả James Laurenceson và Thomas Pantle của báo cáo trên, khi các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Australia phát sinh, các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần phân xử theo các quy tắc thương mại đã thỏa thuận.

Thêm vào đó, các thương nhân nên có các công cụ để giải quyết hoặc giảm thiểu mâu thuẫn, thay vì kêu gọi sự can thiệp của chính phủ.

Báo cáo chia sẻ: “Kinh nghiệm gần đây của Australia cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp nước này đã có thể đảm bảo mức giá ưu việt khi kinh doanh ở Trung Quốc trong một thời gian dài. Và khi cơ hội này đóng lại, họ nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường thay thế và đã thành công".

Chủ động tìm hướng đi mới

Quan hệ Australia-Trung Quốc đã rơi vào căng thẳng trong 18 tháng qua sau khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, và Bắc Kinh sau đó "ăn miếng trả miếng" bằng việc hạn chế xuất khẩu 8 sản phẩm đến từ xứ sở chuột túi.

Báo cáo chỉ ra rằng, một số mặt hàng xuất khẩu như rượu vang và gỗ mới chịu thiệt hại “ròng” lớn, do khối lượng giao dịch bị giảm hoặc lợi nhuận bán hàng thấp hơn ở các thị trường kém cao cấp hơn.

Các sản phẩm khác bao gồm: than đá, lúa mạch, quặng đồng và tinh quặng đồng, bông, gỗ, tôm hùm và thịt bò từ 6 lò mổ của Australia, đã tìm được thị trường mới hoặc không bị lỗ nặng do các nhà xuất khẩu đã tìm ra cách khắc phục để tiếp tục trao đổi thương mại.

Kể từ khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rượu vang Australia đóng chai vào tháng 11 năm ngoái và lệnh áp thuế chống bán phá giá sau đó đối với rượu trong các thùng chứa từ hai lít trở xuống, các nhà xuất khẩu của quốc đảo lớn nhất thế giới đã gặp khó khăn khi phải chuyển hướng sang các thị trường khác.

Theo SCMP, đây là hai mặt hàng chiếm phần lớn lượng rượu vang Australia tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặt hàng này khi bán ra tại các thị trường khác không có giá cao như ở Trung Quốc.

Mặt khác, lúa mạch, bông và than đá xuất sang Trung Quốc đã được chuyển hướng thành công sang các nước khác.

Phần lớn tôm hùm Australia bị cấm nhập khẩu tại đại lục đã được bán ra ở các thị trường khác, cũng như thông qua các “kênh xám”, chẳng hạn như thị trường trung gian như Hong Kong, do đó ngăn ngừa tổn thất cho các nhà xuất khẩu.

Báo cáo cũng cho biết, thời điểm Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò trùng với thời điểm Australia cắt giảm sản lượng do tái đàn gia súc.

Do đó, tỷ lệ giết mổ thịt để xuất sang nước ngoài của Australia thấp hơn và các nhà xuất khẩu nước này chỉ chịu thiệt hại dưới 10% tổng giá trị xuất khẩu.

Tác giả Laurenceson nói thêm rằng, tác động không đồng đều của các lệnh cấm đối với các nhà xuất khẩu Australia cho thấy, sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc đã có tác dụng hạn chế, vì các thương nhân đã linh hoạt trong việc tìm ra lối đi mới.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu Lowy của Australia nhận định, mặc dù chịu phải “thiệt hại không đáng kể” từ các lệnh cấm, hầu hết các nhà xuất khẩu đến nay đã tìm được thị trường mới.

Về phần mình, Viện Thương mại Quốc tế Adelaide ở Australia chỉ ra rằng, không chỉ xung đột giữa Bắc Kinh và Canberra đã gây thiệt hại cho thương mại Australia, mà cả Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây tổn hại cho nước này, bởi Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ, trong đó có nhiều mặt hàng do Australia cung cấp.

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ran-nut-thuong-mai-voi-bac-kinh-canberra-xoay-truc-xuat-khau-sang-thi-truong-moi-158072.html