Rạn san hô còn sót lại ở Great Barrier đang kêu cứu
Sau 5 đợt nắng nóng kỉ lục khiến san hô ở Great Barrier bị tẩy trắng hàng loạt. Sự phục hồi các rạn san hô trong tương lai chỉ mang tính chất tạm thời và không hoàn chỉnh.
Tẩy trắng san hô trong tình trạng đáng báo động
Chỉ 2% rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier chưa bị tẩy trắng kể từ năm 1998 và 80% rạn san hô riêng lẻ đã bị tẩy trắng nghiêm trọng một lần, 2 lần hoặc 3 lần kể từ năm 2016.
Giáo sư Terry Hughes, Đại học James Cook và nhà nghiên cứu Sean Connolly, Viện Smithsonian đã đo lường tác động của 5 đợt sóng nhiệt biển lên Great Barrier trong 3 thập kỉ vào các năm 1998, 2002, 2016, 2017 và 2020. Kết quả cho thấy những đợt sóng nhiệt/nắng nóng khắc nghiệt đã khiến hàng loạt rạn san hô bị bay màu với lịch sử gần đây rất khác nhau. Các đợt tẩy trắng trong những năm gần đây là hậu quả của tình trạng trái đất ấm lên 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.
Các rạn san hô bị tẩy trắng 2 năm liên tiếp. (Ảnh: Vietgiaitri.com)
Do đó, việc có còn tồn tại một rạn san hô Great Barrier Reef hoạt động trong những thập kỉ tới hay không phụ thuộc vào việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên bao nhiêu.
Các nhà lãnh đạo họp tại COP26 vừa qua cần thực hiện rốt ráo những cam kết đầy tham vọng nhằm cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính bởi nó sẽ quyết định tương lai các rạn san hô cùng hàng trăm triệu người có nguồn sinh kế và an ninh lương thực phụ thuộc vào chúng.
Great Barrier gồm hơn 3.000 rạn san hô riêng lẻ trải dài 2.300 km và hỗ trợ hơn 60.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch rạn san hô. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất, cường độ và quy mô của các hiện tượng khí hậu cực đoan đang thay đổi nhanh chóng bao gồm cả những đợt nắng nóng kỉ lục trên biển khiến san hô bị tẩy trắng hàng loạt. Tẩy trắng là phản ứng căng thẳng nhiệt của san hô trước tình trạng tiếp xúc nhiệt vượt ngưỡng.
Trong trường hợp tất cả cam kết mới tại COP26 được đáp ứng thì sự gia tăng nhiệt trung bình toàn cầu có thể giảm xuống 1,9 độ C – tuy đáp ứng được mục tiêu Thỏa thuận Paris là giữ sự nóng lên dưới 2 độ C – nhưng con số này vẫn chưa đủ để ngăn sự suy thoái đang diễn ra của các rạn san hô trên thế giới.
Hầu hết các rạn san hô ngày nay đang ở chế độ phục hồi sớm kể từ lần cuối cùng trải qua quá trình tẩy trắng vào năm 2016, 2017 và 2020. Song, phải mất khoảng một thập kỉ để phục hồi đối với các loài san hô phát triển nhanh nhất và lâu hơn nữa đối với các loài phát triển chậm. Nhiều rạn san hô ven biển bị tẩy trắng nghiêm trọng vào năm 1998 vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn.
Mỗi sự kiện tẩy trắng đều để lại dấu vết địa lý khác nhau. Dựa trên dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu đo thời gian và cường độ tình trạng căng thẳng nhiệt mà Great Barrier phải trải qua vào mỗi mùa hè. Kết quả chỉ ra rằng những rạn san hô dễ bị tổn thương nhất mỗi năm là những rạn chưa bị tẩy trắng trong một thập kỉ hoặc lâu hơn.
Mặt khác, khi các đợt sóng nhiệt liên tiếp xảy ra càng gần nhau (1 – 4 năm) thì ngưỡng nhiệt cho quá trình tẩy trắng càng tăng. Nói cách khác, sự kiện bị tẩy trắng trước đó khiến các rạn san hô ở Great Barrier bị cứng lại trước khi đón nhận các lần tẩy trắng tiếp theo.
Với những rạn san hô ở phía Nam xa xôi, tuy thoát khỏi các đợt tẩy trắng vào năm 2016, 2017 nhưng chúng lại là những loài dễ bị tổn thương nhất vào năm 2020 so với các rạn san hô ở miền Trung và miền Bắc – vốn đẫ bị tẩy trắng nghiêm trọng trong các đợt sóng nhiệt trước đó.
Phục hồi các rạn san hô trong tương lai chỉ mang tính chất tạm thời
Nhiều cơ chế khác nhau có thể tạo ra những hiệu ứng lịch sử hay ký ức sinh thái khác nhau, trong đó thiệt hại nặng nề nhất đối với loài san hô nhạy cảm với nhiệt là chúng có thể bị chết khi mức tiếp xúc nhiệt vượt ngưỡng. Hiện chỉ còn lại một cụm rạn san hô duy nhất ở phía Nam chưa bị tẩy trắng qua 5 đợt sóng nhiệt, do chúng nằm ở rìa ngoài của Great Barrier, nơi có dòng nước mát giúp bảo vệ khỏi nắng nóng, ít nhất là cho đến nay.
Các rạn san hô có thể mất khả năng phục hồi. (Ảnh: Vietgiaitri.com)
Về lý thuyết, các rạn san hô có thể phục hồi trên diện rộng trong trường hợp lượng khí thải nhà kính được hạn chế để ổn định nhiệt độ vào cuối thế kỉ này.
Tuy nhiên, số lượng các rạn san hô chưa bị tẩy trắng ở phía Nam quá ít và quá xa để có thể sản sinh đủ ấu trùng san hô nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời gian dài. Thay vào đó, việc bổ sung các quần thể san hô trong tương lai có thể đến từ hàng tỉ ấu trùng được tạo ra từ các rạn lân cận chưa bị tẩy trắng hoặc các rạn sống ở vùng nước sâu có xu hướng ít bị căng thẳng nhiệt hơn.
Đáng chú ý là sự phục hồi các rạn san hô trong tương lai chỉ mang tính chất tạm thời và không hoàn chỉnh trước khi bị gián đoạn bởi các đợt tẩy trắng tiếp theo khó tránh khỏi. Vì vậy, cần khẩn thiết bảo tồn các rạn san hô ở Great Barrier do chúng sẽ còn bị suy thoái mạnh do biến đổi khí hậu.
Ngăn ngừa các tác nhân gây sốc và làm kiệt sức san hô mỗi ngày
Trong khi hầu hết mọi người đều đồng ý rằng hạn chế khí nhà kính là giải pháp tốt nhất cho san hô thì Miller lại cho rằng mục tiêu trước mắt là ngăn ngừa các tác nhân gây sốc và làm kiệt sức san hô mỗi ngày. Đó là sự ô nhiễm từ các hoạt động phát triển, kéo theo các chất thải đổ ra biển. Vì như vậy, san hô sẽ phải dành năng lượng vốn bị hạn chế nhằm đuổi những chất cặn bẩn ra khỏi mình thay cho việc dùng nó để kiếm thức ăn.
Hơn nữa, ấu trùng san hô có thể sinh sôi và định cư trên những chất thải đó và cùng trên đó loài tảo dại có thể sinh sôi, cản trở sự phát triển của san hô.
Tiến sĩ Heidi Schuttenberg, Đại học James Cook tại Queensland, Úc quả quyết rằng chiến dịch quản lý dải đá ngầm được Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) và các cơ quan khác ủng hộ đã phần nào hạn chế tác động của con người trong thời kì san hô suy thoái. Điều này có thể giúp san hô giữ được năng lượng cần thiết để vượt qua bệnh tật đang hoành hành.
Ngăn ngừa các tác nhân gây sốc và làm kiệt sức san hô mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
Cùng chia sẻ quan điểm đó, Marshall và Schuttenberg cho rằng quá trình bảo vệ phải đặc biệt hướng tới những rạn san hô phục hồi nhanh với tiềm năng sinh sôi mạnh trong dài hạn. Hai ông đều cho rằng khả năng sống sót khi bị tẩy trắng là yếu tố quyết định giúp san hô có thể phục hồi. Thêm vào đó, còn một nhân tố quan trọng khác được các nhà khoa học gọi là khả năng liên kết, bao gồm khả năng tiếp cận các dòng hải lưu lạnh ở sâu dưới đáy biển vốn mang theo mình rất nhiều ấu trùng san hô từ các “nguồn đá ngầm”.
Trên toàn thế giới, các khu bảo tồn biển (MPA) là một trong những công cụ đắc lực được các Chính phủ sử dụng để bảo vệ nguồn tài nguyên biển đang bị đe dọa. Theo bản điều tra công bố của tiến sĩ Carnilo More thuộc Viện Hải Dương Học Scripps tại San Diego, bang California, Mỹ thì 20% rạn san hô trên thế giới nằm trong MPA và điều này đòi hỏi phải đưa ra các biện pháp bảo vệ khác nhau giữa các quốc gia và các khu vực bảo tồn. MPA hiện vẫn bị quản lý lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, đặc biệt là công tác hạn chế đánh bắt.
Cá đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của các dải đá san hô, chẳng hạn loài cá vẹt chuyên ăn tảo sinh sôi trên bề mặt san hô giúp tạo không gian cho ấu trùng san hô cư trú. Hiện nay khi số lượng sinh vật sống ở khu vực đá ngầm đã bị giảm mạnh do đánh bắt quá mức, cá vẹt lại càng đóng vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên, trớ trêu rằng đã có lúc chúng bị coi là loài vô giá trị cần loại bỏ.