Rắn trong văn hóa phương Tây

Trong văn hóa Á Đông, rắn là con giáp thứ 6 trong 12 con giáp.

Hình ảnh cây gậy của thần Hermes (trái) và cây gậy của thần y Esculape (phải).

Hình ảnh cây gậy của thần Hermes (trái) và cây gậy của thần y Esculape (phải).

Còn theo văn hóa phương Tây, rắn vừa là biểu tượng trong lĩnh vực y khoa vừa là nguồn cảm hứng bất tận trong hội họa, kiến trúc và văn học.

Hai biểu tượng một ý nghĩa

Hình ảnh con rắn quấn quanh một cây gậy là biểu tượng quen thuộc trong lĩnh vực y khoa và dược phẩm. Trong các nền văn hóa, bị rắn cắn thường được xem là một điềm xấu nên loài vật này thoạt nhìn có thể không phù hợp làm biểu tượng cho ngành y nhưng đằng sau hình ảnh này là những câu chuyện vô cùng thú vị, hấp dẫn.

Có hai phiên bản về hình ảnh con rắn và cây gậy. Biểu tượng đầu tiên là hai con rắn quấn quanh một cây gậy mà trong văn hóa Hy Lạp, nó được đặt tên là “caduceus”, mang nghĩa cây gậy thần của sứ giả. Hình ảnh này bắt nguồn từ vị thần Hy Lạp cổ đại Hermes - sứ giả của các vị thần.

 Con rắn xuất hiện trong bức tranh 'Sự sa ngã của con người' của họa sĩ Albrecht Dürer.

Con rắn xuất hiện trong bức tranh 'Sự sa ngã của con người' của họa sĩ Albrecht Dürer.

Theo thần thoại, Hermes đã ném cây gậy của mình vào 2 con rắn nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi giữa chúng. Những con rắn lập tức quấn mình quanh cây gậy của ngài. Vì vậy, hình ảnh 2 con rắn quấn quanh cây gậy đã trở thành biểu tượng cho việc giải quyết tranh chấp và lập lại hòa bình. Theo thời gian, nó đại diện cho lĩnh vực thương mại.

Vì Hermes còn là vị thần bảo hộ cho những nhà lữ hành nên hình tượng cây gậy của ông gắn liền với y học. Theo đó, các bác sĩ thời xưa phải đi bộ một quãng đường dài đến thăm khám cho bệnh nhân. Hai con rắn, không phải là một, chính là điểm khác biệt cơ bản giữa “caducues” và biểu tượng y tế thực sự: “Rod of Asclepius”. Đó là hình ảnh về một con rắn quấn quanh cây gậy.

Theo truyền thuyết cổ đại, Esculape, hay Asclepius, con trai của thần Thái Dương Apollo và nàng Coronis, con gái vua xứ Thèbes Phlégyas, được xem là ông tổ của ngành y dược. Ông là một bác sĩ nổi tiếng với khả năng “cải tử hoàn sinh”.

Hiện nay, nhiều công trình kiến trúc Hy Lạp cổ vẫn có hình ảnh của Esculape là một ông già có râu, cầm một cây gậy nặng với một con rắn quấn quanh, gọi là “Rod of Asclepius”, hay “Cây gậy của Asclepius”.

Mẹ mất khi sinh Esculape nên từ nhỏ, ông đã được đưa vào rừng cho Chiron, vị thần Nhân mã đầu người thân ngựa nuôi dưỡng. Sống trong khung cảnh thiên nhiên nên từ nhỏ, cậu bé Esculape đã ưa khám phá các loài cỏ cây và được thần Chiron hướng dẫn cách chữa bệnh bằng thảo dược.

Một ngày nọ, Esculape phát hiện một con rắn bò lên quấn quanh cây gậy của ông nên đã đập chết nó. Ngay sau đó, một con rắn khác bò tới, miệng ngậm thảo dược và giúp con rắn đã chết sống lại. Kể từ sự kiện này, Esculape đã dành nhiều công sức tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi có khả năng chữa bệnh cho con người, nhất là giúp cải tử hoàn sinh.

Esculape càng nổi tiếng thì vị Thần của các vị Thần, Zeus, lo sợ Esculape sẽ khiến con người trở nên bất tử và khó cai trị. Ông định trừng phạt Esculape nhưng các vị thần khác đã xin Zeus tha tội cho vị thần y. Kể từ đó, Esculape được phép tham dự vào hàng tinh tú trên chòm sao Nhân mã và được tôn vinh như thầy của các thầy thuốc.

Vị thần của các thầy thuốc Esculape và vợ, Lampetie, có 5 người con gồm 2 con gái là Hygieia và Panacea, và 3 con trai là Thelesphoros, Machaon và Podalirius. Những người con của Esculape sau này đều đi theo sự nghiệp của cha và trở thành những thần y nổi tiếng.

Theo truyền thuyết, Hygieia nuôi rắn thần và mượn nguồn năng lượng của rắn để chữa bệnh cho con người. Tên của bà, Hygieia, được đặt theo ý nghĩa là “giữ gìn sức khỏe cho con người”. Sau này, hình ảnh con rắn quấn quanh cái cốc được cho là lấy cảm hứng từ việc Hygieia nuôi thần rắn để điều trị bệnh.

Hình ảnh này được nhiều hãng dược phẩm trên thế giới sử dụng làm bộ nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, hình ảnh rắn cũng được sử dụng cho các công ty công nghệ sinh học và nghiên cứu khoa học liên quan đến sự sống vì nó đại diện cho sự đổi mới và sức mạnh tự nhiên.

Panacea, con gái thứ hai của Esculape, được cho là có khả năng chữa lành mọi bệnh tật. Từ đó tên bà được sử dụng làm từ gốc cho “panacea”, một phương pháp chữa bệnh toàn diện.

Trong khi đó, hai người con trai, Machaon và Podalirius, đã góp mặt trong cuộc chiến thành Troy và được ca ngợi trong trường ca Iliad. Machaon nổi tiếng với tài năng chữa trị vết thương trên chiến trường, còn Podalirius là bậc thầy phẫu thuật. Hậu duệ của ông, Hippocoon, được xem là tổ tiên của Hippocrates, người được tôn vinh là “Cha đẻ của Y học hiện đại”.

Nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến của Esculape, người dân đã dựng tượng ông với tay cầm gậy có con rắn quấn quanh để thờ phụng. Các đền thờ mang tên ông không chỉ là nơi thực hành nghi lễ tâm linh, mà còn hoạt động như những trung tâm chữa bệnh, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử y học. Tên của ông, Esculape, dần trở thành thuật ngữ chung để chỉ các bác sĩ hoặc những người hành nghề y dược.

Người Hy Lạp tin rằng rắn là loài vật linh thiêng và sử dụng chúng trong các nghi thức chữa bệnh. Nọc độc rắn được cho là có thể điều trị mọi loại bệnh còn việc lột da chúng là biểu tượng cho sự tái sinh và đổi mới.

Biểu tượng cây gậy quấn rắn không chỉ xuất hiện ở Hy Lạp, La Mã, mà còn lan tỏa và trở thành một biểu tượng của y học trên toàn thế giới. Hình ảnh này gợi nhắc đến sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, nhấn mạnh giá trị cốt lõi của y học: Chữa lành và bảo vệ sự sống.

 Hình tượng con rắn trong tác phẩm văn học nổi tiếng 'Hoàng tử bé'.

Hình tượng con rắn trong tác phẩm văn học nổi tiếng 'Hoàng tử bé'.

Quan niệm về thế giới xung quanh

Không chỉ xuất hiện trong y học, rắn cũng là một hình tượng nổi bật trong các lĩnh vực nghệ thuật phương Tây. Trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, con rắn là một biểu tượng đầy ý nghĩa, vừa bí ẩn vừa mâu thuẫn, xuất hiện với những tầng nghĩa phong phú qua nhiều thời kỳ.

Từ tôn giáo, triết học đến văn hóa dân gian, hình ảnh con rắn không chỉ là một yếu tố trang trí, mà còn mang theo những thông điệp sâu sắc, phản ánh quan niệm của con người về thế giới xung quanh.

Trong lĩnh vực hội họa, con rắn thường được gắn với những biểu tượng đối lập là cám dỗ và tri thức, tội lỗi và sự tái sinh. Một trong những hình ảnh quen thuộc nhất là con rắn ở câu chuyện về Adam và Eva trong Kinh Thánh.

Đây là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm hội họa như bức tranh “Sự sa ngã của con người” (The Fall of Man, hay Adam and Eva) của họa sĩ người Đức Albrecht Dürer, sống ở thời kỳ Phục Hưng. Trong bức tranh, con rắn được khắc họa uốn lượn trên cành cây, biểu tượng cho sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi.

Tuy nhiên, không phải lúc nào con rắn cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Trong các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, con rắn đôi khi được sử dụng như một biểu tượng của tri thức và sự giác ngộ. Ví dụ, hình ảnh cây quyền trượng của thần Hermes,

“Caduceus”, với hai con rắn quấn quanh, không chỉ đại diện cho y học mà còn cho sự cân bằng và hòa hợp. Ngoài ra, trong nghệ thuật tượng trưng (Symbolism) thế kỷ 19, con rắn xuất hiện như một biểu tượng của dục vọng, cái chết và sự tái sinh. Những tác phẩm của họa sĩ người Áo, Gustav Klimt, như “Hygieia” khắc họa hình ảnh con rắn như một biểu tượng của sự quyến rũ và sức mạnh bí ẩn, kết nối giữa sự sống và cái chết.

Trong kiến trúc phương Tây, rắn thường xuất hiện như một yếu tố trang trí tinh xảo. Tại các đền thờ Hy Lạp cổ đại, hình ảnh con rắn gắn liền với các vị thần như thần Thái Dương Apollo hay thần Chiến tranh Athena, những vị thần có mối liên hệ với sự bảo vệ, chữa lành và tiên tri.

Các kiến trúc sư thường sử dụng hình ảnh con rắn trên các cột, phù điêu hoặc bệ thờ để tượng trưng cho sự bảo hộ và vĩnh cửu. Thời kỳ Baroque và Rococo, con rắn được khắc họa với những đường nét uốn lượn phức tạp, tạo nên cảm giác sống động và linh hoạt. Trong một số nhà thờ lớn ở châu Âu, con rắn đôi khi xuất hiện dưới chân tượng thánh, biểu thị chiến thắng của sự thánh thiện trước cái ác.

 Hoa văn trang trí hình con rắn mềm mại, uyển chuyển.

Hoa văn trang trí hình con rắn mềm mại, uyển chuyển.

Chuyển mình trong giai đoạn hiện đại

Ở giai đoạn hiện đại, các kiến trúc sư cũng không bỏ qua biểu tượng con rắn. Trong phong cách Tân Nghệ thuật (Art Nouveau) xuất hiện từ cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20, con rắn thường được cách điệu hóa, trở thành một phần của các hoa văn trang trí mềm mại và uyển chuyển.

Hình ảnh con rắn còn xuất hiện nhiều lần trong văn học. Hình ảnh nguyên sơ của nó là sự cám dỗ khiến con người mắc sai lầm trong Kinh Thánh nhưng dần dần, cùng với sự phát triển của lịch sử và văn hóa, hình ảnh con rắn trong văn học đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ.

Trong văn học hiện đại, con rắn tiếp tục mang tính biểu tượng đa nghĩa, thường xuất hiện như một yếu tố thúc đẩy sự suy ngẫm về bản chất con người và thế giới. Đơn cử, tác phẩm nổi tiếng thế giới “Hoàng tử bé”, nhà văn Antoine de Saint-Exupéry miêu tả con rắn như một thực thể kỳ lạ, mang thông điệp về sự kết thúc và sự chuyển hóa.

Con rắn trong câu chuyện không đáng sợ, mà lại nhẹ nhàng, đóng vai trò như một cầu nối giữa sự sống và cái chết, giải thoát linh hồn khỏi đau khổ trần gian.

Dù mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực, con rắn luôn là một biểu tượng hấp dẫn trong nghệ thuật phương Tây. Với sự linh hoạt về hình dáng, giàu ý nghĩa biểu tượng và khả năng khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, hình ảnh con rắn đã vượt qua ranh giới thời gian, trở thành một phần không thể thiếu trong di sản nghệ thuật của nhân loại.

Ngoài ra, không chỉ là một biểu tượng đơn thuần, nó còn là minh chứng cho sự sáng tạo và cách con người diễn giải thế giới. Qua những nét vẽ và hình khối, hình ảnh này tiếp tục sống động, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem qua từng thời đại.

Nguyễn Minh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ran-trong-van-hoa-phuong-tay-post716406.html