Ràng buộc trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong hoạt động vận tải đưa đón học sinh
Ngày 16-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề cập đến các quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô-tô hiện nay.
Ngày 16-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề cập đến các quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô-tô hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho biết, qua trao đổi với Bộ GD-ĐT, thấy rằng việc ưu tiên hoạt động đưa đón học sinh là hết sức cần thiết, tạo điều kiện học sinh đến trường được thuận lợi, phụ huynh tiết kiệm được thời gian và góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị. Theo đại biểu, để hoạt động đưa đón học sinh được thuận lợi, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần làm rõ các quyền ưu tiên đối với phương tiện đưa đón học sinh như: Quyền ưu tiên lưu thông trên đường, ưu tiên nơi dừng đỗ quanh trường học và tại các điểm đưa đón học sinh thuộc lộ trình xe chạy, ưu tiên nhập khẩu, sản xuất các phương tiện phục vụ cho học sinh, lắp đặt biển báo, tín hiệu cảnh báo các phương tiện tại những nơi học sinh lên xuống xe; cần có quy định sự khác nhau về điều kiện tổ chức đưa đón học sinh của cơ sở giáo dục, với điều kiện kinh doanh của các cơ sở do các cơ sở giáo dục thuê đưa đón
Đại biểu cũng đề cập vấn đề tai nạn do học sinh điều khiển xe đạp điện hiện nay là nỗi lo của gia đình, nhà trường và xã hội, mà một trong những nguyên nhân là do là xe đạp điện được lắp đặt vượt công suất và vượt quy định về tốc độ an toàn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo có một điều quy định về việc kiểm soát công suất, tốc độ của xe đạp điện từ khi sản xuất đến khi lưu thông.
Thảo luận về quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, được quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 83 của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho rằng cần xem xét về yêu cầu xe ô-tô đưa đón học sinh phải đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Đại biểu cho rằng, yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, do doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể sử dụng phương tiện này cho nhiều dịch vụ khác nhau, không nhất thiết chỉ dùng cho mục đích duy nhất là đưa đón học sinh.
“Vì vậy, nếu cần thiết để tạo thuận lợi cho việc nhận diện, qua đó ưu tiên xe đưa đón học sinh có thể thay thế quy định về màu sơn bằng quy định về việc treo biển hiệu xe đưa đón học sinh, tên trường trên thân xe khi xe đang vận chuyển học sinh” – đại biểu đề nghị.
Đồng thời, đại biểu Bùi Thị Thủy cho rằng yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo phải thông báo tới các cơ quan cấp phép, các nội dung như hành trình đưa đón, các điểm dừng, đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng cũng như phải thông báo bổ sung khi có sự thay đổi nội dung một trong các thông tin này trước khi thực hiện việc đưa đón học sinh sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong khi việc bắt buộc cung cấp các thông tin này tới cơ quan cấp giấy phép là không thực sự cần thiết. Do đó, theo đại biểu, cần xem xét và bãi bỏ các quy định liên quan đến yêu cầu xe ô-tô đưa đón học sinh phải đăng ký màu sơn riêng để nhận diện cũng như xem xét yêu cầu phải thông báo tới cơ quan cấp phép các nội dung như hành trình đưa đón các điểm dừng, đón, trả học sinh, danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo trước Quốc hội: Liên quan đến việc vận tải, đưa đón học sinh hiện nay, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và được đưa vào các điều khoản trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
“Có một số ý kiến đề nghị việc đưa đón học sinh mang tính chất là thời vụ, chúng tôi thấy rằng quan điểm này chưa rõ, bởi vì liên quan đến tính mạng của học sinh, liên quan đến thế hệ tương lai mà trong thời gian vừa qua cũng đã xảy ra những tai nạn nghiêm trọng” Bộ trưởng nói và cho biết: “Do đó, trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là phương tiện vận chuyển học sinh phải bảo đảm an toàn”.