Răng gãy rời vẫn có thể 'sống' lại nếu biết những điều sau
Gần đây, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận và điều trị thành công hai trường hợp trẻ em bị bật răng khỏi ổ răng do tai nạn sinh hoạt.
Trường hợp đầu tiên là một bệnh nhi 9 tuổi bị trượt chân ngã đập miệng vào cầu thang. Khi nhập viện, trẻ có vết thương ngách lợi, răng cửa số 11 bị bật khỏi ổ răng và răng số 21 bị sang chấn. Các bác sĩ đã nhanh chóng cắm lại răng 11 vào huyệt ổ răng, khâu tạo hình lợi và cố định răng bằng chỉ thép. Sau điều trị, răng của trẻ ổn định và kết quả chụp X-quang cho thấy tình trạng tốt.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi N.Đ.L, 7 tuổi, bị ngã khi đạp xe khiến hai răng cửa số 11 và 21 bật khỏi ổ huyệt răng. Nhờ được xử trí kịp thời, hiện tại răng của trẻ đã ổn định và chức năng ăn nhai tốt.
Theo các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt, răng cửa thường là vị trí dễ bị chấn thương nhất do các tai nạn như giao thông, sinh hoạt, va chạm vật cứng, hoặc trong khi trẻ chơi đùa, tập thể thao. Việc mất răng cửa không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt mà còn hạn chế khả năng ăn uống, phát âm và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Bởi vậy, cho dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn, nếu bị tổn thương, bật khỏi ổ răng, cần nhanh chóng đưa trẻ tới Bệnh viện khám bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ đưa ra một số lưu ý quan trọng cho phụ huynh khi bảo quản răng bị gãy: khi nhặt lại răng gãy, cầm vào phần thân răng, không chạm vào chân răng. Trong trường hợp răng bị dính bẩn, rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước sạch.
Bảo quản răng trong sữa không đường hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để duy trì sự sống của các dây chằng nha chu. Nếu không có sẵn các dung dịch trên, có thể để trẻ ngậm răng trong miệng, nhưng phải đảm bảo trẻ tỉnh táo và không nuốt răng.
Các bác sĩ nhấn mạnh rằng thời gian vàng để cắm lại răng thành công là trong vòng 6 giờ sau khi bị gãy. Do đó, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được xử trí kịp thời.