Rằng qua cơn hoạn nạn…

Nhiều người xông pha ra Bắc, dầm mình trong nước lũ để đưa hàng cứu trợ, những chiếc ca nô, tàu thuyền hoạt động hết công suất, những chuyến xe chở đầy hàng hóa, những bếp lửa đượm nồng ở khắp mọi miền đất nước… là bức tranh đầy yêu thương ở các tỉnh miền Bắc trong những ngày qua. Nghĩa đồng bào thiêng liêng đã thôi thúc trái tim nhân ái, tinh thần tương trợ của mỗi người hướng về nơi lũ dữ.

Hàng cứu trợ thiết yếu đến tay người dân.

Hàng cứu trợ thiết yếu đến tay người dân.

Nghỉ phép, chiến sĩ hải quân xông pha ra Bắc

Khúc ruột miền Trung - nơi thường xuyên bị bão, lũ hoành hành, chứng kiến đồng bào miền Bắc đang gồng mình chống chọi với thiên tai, không ai bảo ai, khắp nơi dấy lên phong trào kêu gọi hỗ trợ, hướng đến các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi). Những chuyến xe chở hàng, lực lượng hỗ trợ đã băng gió bạt mưa, ngược đường ra Bắc.

Đêm 11/9, anh Trần Văn Lạc (quê thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), một chiến sĩ hải quân công tác ở miền Nam, tranh thủ thời gian nghỉ phép đã liên hệ với một xe chở hàng từ TP Hà Tĩnh để lên đường ra miền Bắc cứu trợ. Hai người trên xe chở hàng anh Lạc đều không quen biết, qua mạng xã hội, anh lọc tìm số điện thoại liên hệ rồi xin đi chung. Không quen biết nhưng chung tình yêu thương với đồng bào lũ lụt, ba người đàn ông trở thành bạn đồng hành. Chuyến xe xuyên đêm chở nghĩa tình của người dân Hà Tĩnh đến điểm sạt lở, bị chia cắt ở xã Tuy Lộc, TP Yên Bái lúc 6h sáng 12/9.

Anh Lạc cùng 2 người bạn đồng hành xắn quần, lội qua dòng nước lũ đục ngầu, lên thuyền của bộ đội ở xã Tuy Lộc, đưa nhu yếu phẩm đến từng thôn, trao tận tay người dân đang dầm mình trong lũ dữ. Mỗi chai nước, gói mỳ, gói bánh, hộp thuốc thiết yếu… đến tay người dân vùng lũ, chiến sĩ Trần Lạc như mở được nút thắt trong lòng bởi những ngày qua chứng kiến cảnh đau thương, vất vả của đồng bào miền Bắc đã khiến trái tim anh thắt lại. Vừa đưa hàng cứu trợ, ba anh em vừa kết bè giúp dân xã Tuy Lộc vượt lũ. Các anh còn chia sẻ kinh nghiệm dọn dẹp khi lũ rút với người dân xã Tuy Lộc.

Anh Lạc chia sẻ, anh là chiến sĩ hải quân, công tác tại nhà dàn DK1 ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc. Năm nay được nghỉ phép 1 tháng, khi thời hạn nghỉ phép chỉ còn ít ngày, chứng kiến nỗi đau người dân vùng lũ, anh không kìm được nên tìm cách ra miền Bắc cứu trợ. “Xe chở 4 tấn hàng cứu trợ đã kịp thời cấp phát cho bà con xã Tuy Lộc. Cứu giúp bà con chỉ một phần nhỏ nhưng tôi cảm thấy rất vui. Người dân Tuy Lộc rất bất ngờ vì thấy anh em chúng tôi từ miền Trung ra tận đây cứu trợ”, anh Lạc nói.

Là người tiên phong “xuất quân” ra Bắc để cứu người trong bão, lũ, anh Trần Xuân Vũ (trú tại TP Hà Tĩnh) cùng 2 người bạn ở Nghệ An đã có mặt tại TP Thái Nguyên lúc 4h sáng ngày 10/9. Chiếc xe bán tải của anh chở theo một chiếc cano có gắn động cơ, hơn 100 chiếc áo phao và ít nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân. Theo anh Vũ, TP Thái Nguyên lúc đó như một biển nước. Công tác cứu hộ hết sức khó khăn bởi địa hình dốc, nước lũ chảy mạnh và xiết. Nếu không thông thuộc địa hình và cách thức cứu hộ thì rất nguy hiểm nên nhóm phải nhờ sự hỗ trợ dẫn đường của cán bộ, người dân địa phương mới tiếp cận được nhà dân nằm sâu trong khu dân cư.

Chiếc cano máy của nhóm anh Vũ đã phát huy hiệu quả cứu hộ trong mưa lũ. Từ 5h - 13h ngày 10/9, anh Vũ trực tiếp cầm lái cano, thực hiện hàng chục lượt cứu hộ, mỗi chuyến đưa được khoảng 5 - 8 người dân ra khỏi vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn. Nhóm ưu tiên hoạt động theo hình thức phản ứng nhanh, cứu người những chỗ khó vào, bị ngập sâu trước, rồi tới chỗ cần giúp sau.

Sau khi tham gia cứu hộ tại Thái Nguyên, nhóm của anh Vũ tiếp tục lên đường di chuyển sang hỗ trợ người dân Yên Bái. Trên đường đi, nhiều tổ chức, nhóm thiện nguyện cũng đang hướng về tâm lũ để cứu giúp đồng bào như anh Vũ và những người bạn. Do thời tiết mưa lớn, đường trơn, nhiều chỗ sạt lở, các đoàn di chuyển hết sức khó khăn.

“Trong hoàn cảnh đó, các đoàn thiện nguyện đều hỗ trợ, gửi cho nhau những lời động viên, khích lệ cố gắng hết mình để hoàn thành hành trình thiện nguyện một cách hiệu quả, an toàn nhất. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đến những nơi đồng bào cần với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để chung tay cùng cấp ủy, chính quyền cứu giúp người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người” - anh Vũ chia sẻ.

Cùng chung mục đích cao cả hỗ trợ người dân vùng lũ trong thời điểm khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thiện nguyện của Hà Tĩnh đang ngày đêm tích cực quyên góp dụng cụ cứu hộ, nhu yếu phẩm để kịp thời “xuất quân” ra phía Bắc. 3 ngày qua, anh Trương Xuân Dũng (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cùng nhóm xe tải, xe cấp cứu đã chở gần 10 tấn hàng hóa, thuốc men, cano, áo phao… đến cứu trợ tại các điểm lũ quét, sạt lở nặng nề nhất của huyện Lục Yên (Yên Bái) như thôn Át Thượng, thôn Quéo Quạng xã Minh Xuân; thôn Ngòi Thắm, xã Tô Mậu; thôn 8, xã Tân Lĩnh…

Theo anh Trương Xuân Dũng, hiện tại lũ rút dần, người dân lúc này không cần đến thức ăn nhanh, nhu yếu phẩm mà cần vật dụng như chăn, màn, bát, đĩa, nồi, thau chậu… bởi lũ đã cuốn đi tất cả tài sản của bà con.

Tình người là điểm tựa để người dân vùng lũ vươn lên.

Tình người là điểm tựa để người dân vùng lũ vươn lên.

Tình người là điểm tựa

Lũ rút là lúc giúp đồng bào dọn dẹp, vực dậy để mưu sinh. Người dân cần nhất lúc này là sinh kế. Trải qua bão, lũ triền miên, người dân “rốn lũ” Hà Tĩnh hiểu hơn ai hết cách “rũ bùn” đứng dậy sau lũ. Vì vậy, giai đoạn này, người dân chuyển hướng kêu gọi hỗ trợ, không huy động nhu yếu phẩm nữa mà chuyển sang đồ dùng học tập, vật dụng sinh hoạt và tiền để hỗ trợ người dân vùng lũ dựng nhà và hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Hàng nghìn tỷ đồng của người dân, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân… đã, đang và sẽ đến tay người dân vùng lũ miền Bắc.

Trong hành trình yêu thương hướng về miền Bắc, ngoài những nghĩa cử cao đẹp, góp tiền, hàng, trực tiếp đi cứu trợ… rất nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà dân sẵn sàng hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ miễn phí cho các đoàn cứu trợ. Cứ thế, hành trình yêu thương kéo dài mãi không ngừng. Để thấy, hàng triệu trái tim đầy ắp yêu thương luôn hướng về đồng bào lũ lụt.

Nhóm thiện nguyện xung kích từ TP Hà Tĩnh đến huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Nhóm thiện nguyện xung kích từ TP Hà Tĩnh đến huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Trải qua nhiều cơn bão, những trận lụt lịch sử, chúng ta càng tin không đâu tình người lại nồng ấm như ở đất nước mình. Đó là truyền thống, là văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Điều tốt đẹp sẽ luôn được tiếp nối, lan tỏa khi đó là bản chất dân tộc, trong gian nan, hoạn nạn càng trở nên thấu rõ. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ có ánh sáng của tình người là còn mãi.

Trong bão, lũ, chúng ta lại nhắc với nhau nhiều hơn về câu hát “Rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”. Thật hạnh phúc khi cái sự “hiểu tận” ấy là nghĩa đồng bào sâu nặng, là sự ấm áp của tình người… Tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tử tế của con dân đất Việt là điểm tựa vững chãi để đồng bào miền Bắc vượt qua mọi giông, bão.

Tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách 2,1 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Số tiền này được chuyển trực tiếp vào tài khoản của ban vận động cứu trợ các tỉnh, thành phố phía Bắc. Tính đến cuối ngày 12/9, Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng trị giá gần 6,4 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Con số hỗ trợ vẫn đang tiếp tục tăng lên.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/rang-qua-con-hoan-nan-10290326.html