Rạng sắc xuân nơi rẻo cao huyện Ba Vì

Ba Vì có 7 xã thuộc vùng dân tộc, miền núi giàu bản sắc văn hóa nên Tết ở nơi này luôn mang phong vị riêng.

Chè Ba Trại, giống cây khiến bà con dân tộc Mường xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: C.T

Chè Ba Trại, giống cây khiến bà con dân tộc Mường xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: C.T

Tết truyền thống và Tết chung của người dân tộc dọc núi Tản

Ông Bùi Văn Vững (sinh năm 1961, trú tại thôn 9, xã Ba Trại) vốn là người dân tộc Mường, vui vẻ khoe, nhà ông để dành cả đàn gà và một con lợn để ăn Tết. Ba Trại trước đây còn khó khăn, nhưng đến nay đời sống đã được cải thiện rõ rệt, bởi những chính sách hỗ trợ hợp lý, cùng với sự vươn lên của người dân.

Ông Vững cũng cho biết, từ năm 2012 đến năm 2021, được sự hỗ trợ của TP Hà Nội về cây, con giống trong đó xã Ba Trại được hỗ trợ cây chè, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi giống chè cũ sang trồng giống chè LDP1 năng suất, chất lượng cao, để xóa đói, giảm nghèo.

Kinh tế phát triển, giao thương thuận lợi, xóm làng yên bình vì hầu như nhà ai cũng có của ăn, của để, nhưng người Mường ở Ba Vì vẫn giữ những phong tục ẩm thực đặc trưng của mình trong dịp Tết âm.

Theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết không bắt đầu vào ngày ông Công, ông Táo mà chỉ thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Từ ngày này, chợ Tết cũng mới được mở ra. Vào dịp Tết, mỗi gia đình đều mổ một con lợn, dù to hay nhỏ để làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm chung vui.

Vào ngày Tết, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Người Mường gọi nghi lễ này là phường bùa. Theo ông Vững, “tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn”.

Cũng vẫn giữ được hầu hết phong tục, tập quán của mình trong dịp Tết Nguyên đán, người dân tộc Dao ở huyện Ba Vì cũng đang rộn ràng đón Tết. Bên cạnh những sườn đồi, góc núi, trong sân nhà của người Dao xã Ba Vì, những cánh đào rừng bắt đầu khoe sắc... Các con đường thôn đều được trải bê tông, xe ô tô về từng ngõ, xóm, những ngôi nhà khang trang với đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, nhiều hộ mua được ô tô, xe máy đắt tiền. Dọc đường về thôn người Dao, mùi sao thuốc, mùi lá thuốc thoang thoảng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Dương Trung Phong cho biết: “người Dao ở xã Ba Vì có nghề bốc thuốc Nam. Mấy năm nay được TP, huyện chú trọng, đầu tư, nghề thuốc Nam của bà con phát triển bài bản, khoa học và cũng mở rộng hơn. Năm 2023, xã có thêm 2 thôn là Hợp Nhất và Hợp Sơn được công nhận làng nghề thuốc Nam truyền thống. Như vậy xã Ba Vì có 3/3 thôn đều đạt danh hiệu làng nghề truyền thống của Thủ đô…”.

Bà Phùng Thị Thắng (sinh năm 1951), trú tại thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) nói: “do đường sá đi lại thuận tiện, đồng thời cũng có nhiều người quan tâm, để ý, họ biết đến rồi giới thiệu nên thuốc Nam của gia đình nhà tôi cũng có cơ hội đi khắp nơi. Nhờ thế mà kinh tế gia đình cũng khá hơn những năm còn chưa về Thủ đô”.

Vừa nhanh tay dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết, bà Thắng vừa chia sẻ, người Dao ở Ba Vì một năm có những cái Tết như Tết đầu năm, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết rằm tháng bảy, Tết cuối năm, Tết nhảy và các nghi lễ như lễ cấp sắc, lễ tạ mả...

“Không chỉ ăn Tết Nguyên đán 3 ngày như người Kinh, người Dao chúng tôi có Tết cuối năm. Tết cuối năm sẽ diễn ra khi mùa màng đã thu hoạch xong, việc dâng mâm cúng tổ tiên cũng là để báo công và trả lễ với tổ tiên thành quả một năm lao động của gia đình. Ngày này, mỗi dòng họ sẽ chọn ra một ngày đẹp để tổ chức ăn Tết. Thường Tết chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, tại gia đình đang giữ bàn thờ của dòng họ và được dân làng đến làm giúp nên thường rất đông vui”, bà Thắng kể.

Cũng thêm vào câu chuyện, ông Phong bổ sung, việc tổ chức ăn Tết cuối năm của các gia đình phải tuân theo quy tắc nhất định. Đầu tiên, các hộ gia đình đóng góp lương thực, thực phẩm, có thể là gà, lợn, gạo… Sau đó, cùng nhau lên miếu để làm lễ, rồi ăn Tết làng ở nhà người tổ chức lễ họ. Từ hôm sau trở đi, các gia đình mới được tổ chức riêng tại nhà.

Kinh tế của các hộ khá lên, chuyện ăn Tết với người Dao Ba Vì cũng vì thế mà ấm áp, sung túc hơn. Ảnh: NSNA Xuân Đạt

Kinh tế của các hộ khá lên, chuyện ăn Tết với người Dao Ba Vì cũng vì thế mà ấm áp, sung túc hơn. Ảnh: NSNA Xuân Đạt

Tết vui hơn...

Quê hương đổi thay, dòng người hối hả sắm Tết, trang hoàng nhà cửa, ngõ xóm khiến Tết đến nơi rẻo cao Ba Vì như rộn ràng hơn, sung túc hơn...

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, có 7/30 xã miền núi là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh sự phong phú, giàu bản sắc văn hóa thì trước đây, khu vực miền núi của huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm của các xã khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đều rất thấp.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, hạ tầng nông thôn trên địa bàn các xã từng bước được hoàn thiện. Đến nay, huyện có 100% tuyến đường trục xã, liên xã; trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng được bê tông hóa; các thôn đều xây dựng được nhà văn hóa, trường học, trạm xá khang trang...

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã quan tâm, chú trọng huy động tối đa nguồn lực với tổng nguồn vốn gần 10.000 tỷ đồng. Nhiều cách làm hay, mô hình mới đã phát huy hiệu quả như phong trào thi đua “xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” huy động được hơn 64 tỷ đồng. Toàn huyện đã hiến được hơn 206.519m2 đất thổ cư, 903.841,2m2 đất nông nghiệp, hơn 41.000 ngày công lao động. Cho đến hết năm 2022, huyện đã có 30/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Quê hương đổi thay, đường sá thuận tiện cùng với sự bắt nhịp với công nghệ hiện đại, diện mạo các xã vùng cao tại huyện Ba Vì thay đổi. Dòng người vui vẻ, hồ hởi đón Tết khiến ngõ xóm nơi rẻo cao Ba Vì rộn ràng, sung túc, ấm no hơn…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/rang-sac-xuan-noi-reo-cao-huyen-ba-vi-369234.html