Ranh giới pháp lý của việc tung clip bạo lực lên mạng
Không phải trong mọi trường hợp tung clip bạo lực đều vi phạm pháp luật...
Bạn đọc NGUYỄN THANH TUẤN (TP HCM) hỏi: "Thời gian qua xảy ra nhiều vụ đánh người, quay clip rồi tung lên mạng xã hội. Theo quy định của pháp luật, hành vi này bị xử lý như thế nào?".
Luật sư LÊ THỊ HUYỀN TRANG, Công ty Luật TNHH Kim và Đồng sự, trả lời: Đối với người có hành vi trực tiếp tham gia đánh người, họ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điều 134 Bộ Luật Hình sự. Tội giết người theo điều 123 hoặc tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 của bộ luật này cũng được tính đến tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi.
Còn hành vi của người quay clip bạo lực rồi tung lên mạng xã hội là hành vi nguy hiểm. Hầu hết những nạn nhân của vụ việc đều bị sốc tinh thần, hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Thậm chí nhiều người đã không vượt qua khỏi cú sốc phải tìm đến cái chết để giải thoát.
Hành vi tung clip bạo lực để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo khoản 1 điều 101 Nghị định15/2020, được sửa đổi, bổ sung tại điều 37 Nghị định 14/2022.
Ngoài ra, hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì còn phải căn cứ vào việc xúc phạm nghiêm trọng thế nào. Việc đánh giá mức độ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố do cơ quan điều tra xác định, qua đó mới có thể kết luận có khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điều 155 Bộ Luật Hình sự hiện hành về tội làm nhục người khác hay không.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp tung clip bạo lực đều vi phạm pháp luật. Chỉ hành vi tung clip bạo lực nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác thì mới bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp tung clip nhằm tố giác tội phạm vì lợi ích của người khác thì sẽ không vi phạm pháp luật.