Rao bán 'đại hạ giá' khách sạn 5 sao của Bông hồng vàng Thuận Thảo
Hồi giữa năm 2019, khách sạn Cendeluxe cùng Trung tâm hội nghị triển lãm Thuận Thảo đã được công ty Việt Tín đấu giá với mốc khởi điểm 500 tỷ đồng nhưng chưa thành công.
Công ty đấu giá hợp danh Việt Tín tại TP. Tuy Hòa, Phú Yên vừa thông báo đấu giá tài sản bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên kê biên. Thời gian dự kiến diễn ra vào ngày 10/4 theo phương thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Tài sản đấu giá bao gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng, Khu trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo rộng 3,7 ha và khu mở rộng của dự án này có diện tích 4,6 ha. Giá khởi điểm của nhóm tài sản là 344 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá gồm công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất, trả tiền thuê hàng năm nên không đấu giá quyền sử dụng đất.
Người đăng ký tham gia đấu giá phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án đầu tư, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.
Trong các tài sản đấu giá, khách sạn Cendeluxe là một trong những cơ sở lưu trú nổi tiếng nhất tại tỉnh Phú Yên. Cụ thể, khách sạn này nằm tại số 2 đường Hải Dương, thành phố Tuy Hòa và là khách sạn cao nhất tỉnh Phú Yên. Khách sạn này được nhiều trang du lịch cả trong và ngoài nước đánh giá là top 3 khách sạn 5 sao tốt nhất thành phố.
Khách sạn Cendeluxe từng thuộc sở hữu của nữ đại gia Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuận Thảo. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này vướng vào những khoản nợ không có khả năng thanh toán nên tài sản trên đã bị kê biên.
Hồi giữa năm 2019, khách sạn Cendeluxe cùng Trung tâm hội nghị triển lãm Thuận Thảo đã được công ty Việt Tín đấu giá với mốc khởi điểm 500 tỷ đồng nhưng chưa thành công. Thời điểm đó, Khu trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo tại Phú Yên cũng được rao bán với giá 106 tỷ đồng.
Ngoài ra nhiều tài sản, khoản nợ có liên quan tới Công ty Thuận Thảo của nữ doanh nhân này cũng từng được ngân hàng và các công ty đấu giá rao bán.
Năm 2018, khoản nợ hơn 1.905 tỷ đồng của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn (thuộc sở hữu của Thuận Thảo) và 95 khách hàng cá nhân liên quan tại Chi nhánh BIDV Phú Tài cũng được rao bán với giá khởi điểm hơn 1.200 tỷ đồng rồi hạ xuống 761 tỷ đồng nhưng chưa có người mua.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay này gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 100B Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Đây là trụ sở của Thuận Thảo Nam Sài Gòn với diện tích 275 m2.
Cùng với đó là lô đất tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh với diện tích 22 ha và 5,2 triệu cổ phiếu GTT của Công ty Thuận Thảo.
Thuận Thảo từng nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải thị trường phía Nam. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên từng sở hữu khách sạn 5 sao, siêu thị... tại Phú Yên và là doanh nghiệp đầu tiên sở hữu bến xe khách của cả nước.
Tuy nhiên, việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân rơi vào khó khăn.
Trong đó, khách sạn 5 sao Cendeluxe chỉ là một trong số hàng loạt dự án bất động sản mà Thuận Thảo đầu tư trong giai đoạn 2009-2013. Ngoài ra còn có Trung tâm giải trí và sinh thái, Trung tâm hội nghị và triển lãm Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai... với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, du lịch Phú Yên giai đoạn trước chưa phát triển cùng với thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã khiến doanh nghiệp của nữ đại gia thua lỗ.
Năm 2019, Thuận Thảo đạt doanh thu 24 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế tới 166 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp đại gia vận tải ở Phú Yên báo lỗ. Đến cuối 2019, lỗ sau thuế chưa phân phối của Thuận Thảo lên tới hơn 1.400 tỷ đồng.
Những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh thua lỗ được ban lãnh đạo Thuận Thảo liệt kê bao gồm các tài sản đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp trong khi công ty khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn đầu tư nâng cấp, bổ sung; không thu hồi được công nợ từ những năm trước; không còn vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế, ngân hàng; tái cấu trúc không hiệu quả.
Lê Lan (Tổng hợp)