Rao bán lan đột biến 'rởm', chiếm đoạt hàng tỷ đồng

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Quách Văn Hải, SN 1992; Trần Hữu Sỹ, SN 1987; Trịnh Hải Nam, SN 2002; Đỗ Văn Chung, SN 1987 - đều quê Hòa Bình, về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Theo cáo trạng, các bị cáo sinh ra tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình, nơi trồng và có nhiều người buôn bán các loại lan, trong đó có lan đột biến (giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với lan phi điệp thường). Để biết chính xác phải đợi cây ra hoa hoặc phải trực tiếp chăm sóc nuôi trồng cây “mẹ” rồi tách cây con ra mới xác định được lan đột biến gen.

Khi còn nhỏ, chưa có hoa, lan đột biến có đặc điểm khá tương đồng, nếu không có kinh nghiệm sẽ không phân biệt được lan thường và lan đột biến gen. Do cần tiền chi tiêu, nhóm Hải lập các tài khoản Facebook ảo hoặc Facebook tên Hải Hoa Lan, Vườn Lan Quang Trung, Thành Chung để đăng bán lan đột biến.

Nhóm này còn tải các video, hình ảnh cây “mẹ” và các loại mặt hoa lan đột biến gen thật để quảng cáo, cam kết là giống lan đột biến Hồng Yên Thủy, ký hiệu là HYT hoặc năm cánh trắng Hiền Oanh (HO). Khi giao dịch với khách, nhóm này còn cam kết sẽ “bảo hành cây đến khi ra hoa, nếu sai cây, sai hoa sẽ thu mua lại theo đúng giá thị trường”. Đề phòng khách hàng đòi đến tận vườn, các bị cáo thuê và mượn các địa chỉ là huyện Hoài Đức, quận Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, để làm vườn lan, lấy chỗ giao dịch.

CQĐT làm rõ, trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, nhóm của Hải lừa 7 bị hại, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng. Bị hại Ngô Duy L cho hay, đã bị chiếm đoạt 205 triệu đồng. Anh L khai, giữa tháng 1/2021, Nam chụp ảnh 3 cây lan phi điệp thường, cao tầm 11-15cm tại vườn của Sỹ tại địa chỉ xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, rồi đăng bán trên Facebook Nguyễn Duy Mạnh, nói dối là lan đột biến gen 5 cánh trắng Hiền Oanh.

Anh L liên hệ hỏi mua thì được Nam gửi cho các video, hình ảnh chứa mặt hoa đột biến thật, cam kết chuẩn giống, chuẩn mặt hoa và bảo hành đến khi cây ra hoa. Anh L đồng ý mua 3 cây với giá 205 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản tiền, Nam thuê xe chở 3 cây trên đến cho anh L quê Tuyên Quang.

Một tháng sau, anh L lại hỏi mua 2 cây lan đột biến do Nam quảng cáo trên Facebook với giá 97 triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền từ anh L, lo sợ bị phát hiện nên Nam đã xóa tài khoản Facebook. Đến tháng 4/2021, biết Quách Văn Hải đang bị CQCA điều tra, Nam đã bẻ và vứt sim điện thoại để xóa dấu vết.

Cơ quan tố tụng xác định, Hải thực hiện 7 vụ lừa bán 18 cây lan đột biến gen giả cho 6 bị hại, chiếm đoạt 900 triệu đồng, hưởng lợi 525 triệu đồng. Sỹ thực hiện 8 vụ lừa bán 21 cây cho 2 bị hại, chiếm đoạt 616 triệu đồng, hưởng lợi 320 triệu đồng. Nam thực hiện 8 vụ lừa bán 21 cây cho 1 bị hại chiếm đoạt 624 triệu đồng, hưởng lợi 264 triệu đồng. Chung thực hiện 4 vụ, lừa bán 8 cây cho 3 bị hại số tiền 375 triệu đồng, hưởng lợi 282 triệu đồng.

Tại tòa, bị cáo Hải khai, mới trồng lan và có tìm hiểu về loại lan phi điệp, song chỉ biết tên loại này theo mọi người thường gọi. Về loại "lan đột biến", bản thân Hải cũng chỉ nghe người trong hội chơi lan nói đến. Thực tế, bị cáo mới chỉ nhìn loại lan đột biến trên mạng xã hội.

Hải thừa nhận cáo buộc 7 vụ lừa đảo là đúng. Về số lan, bị cáo vừa lấy của bản thân và mua lại lan thường nhưng đăng tải lên mạng để bán nói là "lan đột biến" để lừa đảo, lấy tiền chênh lệch.

Do đó, HĐXX đã tuyên bị cáo Hải 12 năm tù, Sỹ và Nam - mỗi bị cáo 10 năm tù, Chung 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giá trị hoa lan đột biến đang được định giá tự do, không có căn cứ hay cơ sở pháp lý rõ ràng. Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng hoa lan diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa hai bên. Không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan cho nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch... Đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lợi dụng “thổi giá”, tạo sự hấp dẫn giả tạo nhằm thu hút số lượng lớn người mới chơi lan vào vòng xoáy làm giàu nhanh. Nhiều người hám lợi đã vay tiền người thân, bạn bè, thậm chí cầm cố tài sản để vay ngân hàng, vay tín dụng đen đầu tư vào lan đột biến để rồi trở thành nạn nhân của bẫy lừa đảo.

B.A

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/rao-ban-lan-dot-bien-rom-chiem-doat-hang-ty-dong-306842.html