Rao bán 'Nhà tranh gốc mít', Sotheby's lập lờ đưa ra khái niệm 'tương đương' tranh thật
Nhà đấu giá Sotheby's Hongkong đang rao bán bức sơn mài 'Nhà tranh gốc mít' trên gỗ gồm 3 tấm của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tại phiên 'Modern art day sale'. Điều đáng nói, bản gốc duy nhất của tác phẩm này lại đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Phiên đấu giá "Modern art day sale" của Sotheby's Hong Kong sẽ diễn ra vào ngày 10/10/2021, đưa lên sàn nhiều tác phẩm hội họa Đông Dương của Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ...
Trong đó, tấm bình phong "Nhà tranh gốc mít" (1957) được cho của Nguyễn Văn Tỵ, 90x118.5cm có giá dự toán là 90,000-130,000 USD. Với những người am hiểu về mỹ thuật Việt Nam đều nhận ra bức bình phong 3 tấm này không phải là thật.
Con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, bà Nguyễn Bình Minh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xác nhận, "đây là bức tranh giả 100%".
Bà Nguyễn Bình Minh cho biết, bố bà chỉ sáng tác một bản duy nhất, bức tranh đó tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958. Năm 1960 thì chuyển giao về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hiện vẫn đang được lưu giữ, trưng bày.
Bà Hoàng Anh, Tổng biên tạp tạp chí Mỹ Thuật cho rằng, Sotheby's danh tiếng sao lại để bức tranh như thế này lọt vào trong phiên. Đây là sự coi thường với mỹ thuật Việt Nam, với người yêu nghệ thuật và với những nhà sưu tập đến từ Việt Nam.
"Vì bức tranh này có liên quan đến những tác phẩm chân bản, hiện thuộc sưu tập của Chính phủ Việt Nam nên chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ để họ gỡ tranh xuống như trường hợp 2 bức tranh "Bức thư" của Tô Ngọc Vân và "Hai cô gái trước bình phong" của Trần Văn Cẩn cũng đấu giá tại chính Sotheby's tháng 9/2019", bà Hoàng Anh nói.
Trước việc nhà đấu giá Sotheby's rao bán tranh giả của danh họa Việt Nam, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xác nhận, hiện nay bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày bản gốc bức tranh "Nhà tranh gốc mít" của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Nhưng tác phẩm này chỉ gồm 1 tấm thay vì 3 tấm như Sotheby's rao bán trên mạng.
Trái với lần rao bán tác phẩm nhái của Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cần, lần này, Sotheyby's lại ghi thông tin về tác phẩm "Nhà tranh gốc mít" khá khó hiểu. Trong phần ghi chú, nhà đấu giá này đề "Bức này tương đương với bức "Nhà tranh gốc mít" (1958) đang bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội".
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, trong nghệ thuật không có khái niệm "tương đương", chỉ có tranh gốc, tranh giả, tranh nhái.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông đưa ra lời khuyên, gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Hội Mỹ thuật Việt Nam nên có văn bản chính thức gửi đến nhà đấu giá. Cứ "chúng ta phải..." chung chung thì không giải quyết được triệt để. Còn khái niệm "tương đương" mà Sotheby's đưa ra rất mập mờ.
Anh Trần Vũ Hoài , một người yêu mến mỹ thuật Việt Nam bày tỏ, anh đã xem vài trăm cuốn catalogue đấu giá, nhưng đây là lần đầu tiên thấy khái niệm "tương đương (“comparable to”) mà Sotheby's nhắc tới. "Không hiểu mình dốt hay người ra quá khôn!", anh Hoài nói.
Thậm chí, có họa sĩ còn nói thẳng ra là Sotheby's phải cảm thấy xấu hổ vì lòng tham của mình. Các chuyên gia thẩm định của Sotheby's đã lờ đi trước bức tranh giả rõ mười mươi.