Rao bán thông tin cá nhân, phải xử nghiêm!

Hiện nay, tình trạng mua bán thông tin cá nhân công dân đang diễn biến rất phức tạp trên không gian mạng

Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về thông tin một thành viên trên một diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu của hacker rao bán thông tin được cho là lấy từ kho lưu trữ chứng minh nhân dân, căn cước công dân của gần 10.000 người dân Việt Nam. Trên diễn đàn này, tài khoản có tên Ox1337xO cho biết đang sở hữu gói dữ liệu KYC (Know Your Customer), dữ liệu để xác minh thông tin người dùng, bao gồm các thông tin xác định danh tính người dùng như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, email, điện thoại, số chứng minh..., kèm theo hình ảnh chân dung, hình chụp mặt trước và sau chứng minh nhân dân, căn cước công dân.

Rất nguy hiểm

Theo Bộ Công an, những hình ảnh được lan truyền cho thấy các mẫu giấy tờ bị rao bán là mẫu chứng minh nhân dân cũ, không phải loại thẻ căn cước gắn chip mới. Bộ Công an sẽ kiểm tra, làm rõ chúng lộ ra từ đâu để xử lý.

Tuy nhiên, đây là vụ việc rất nguy hiểm bởi người dùng bị lộ thông tin có thể bị lợi dụng vào các mục đích lừa đảo trên mạng. Thông tin của người dùng cũng có thể bị sử dụng để giả mạo, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, tạo các giấy tờ giả, đăng ký các dịch vụ cho vay... Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, ít nhất là mất thời gian để giải quyết, giải trình về những việc mà họ không làm. Có khi người dùng dính nợ mà không hay biết, doanh nghiệp không tìm được đúng người để thu hồi khoản tiền...

Hiện nay, tình trạng mua bán thông tin cá nhân công dân đang diễn biến rất phức tạp trên không gian mạng. Xuất phát từ nhu cầu đưa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiếp cận thị trường, một số doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho việc mua thông tin cá nhân. Hơn thế nữa, một số đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý dữ liệu thông tin cá nhân của nhiều người coi đó là một loại tài nguyên có giá trị khi đem ra bán các tệp dữ liệu cho người có nhu cầu để vụ lợi.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức lưu đầy đủ thông tin người dùng, không chỉ ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tài chính, nhà mạng di động mà cả các ứng dụng gọi xe công nghệ cũng thu thập. Ngoài ra, dữ liệu thông tin có thể bị lộ, lọt do bị hack.

Nhiều ứng dụng, mạng xã hội, dịch vụ… yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân mới được sử dụng Ảnh: Hoàng Triều

Nhiều ứng dụng, mạng xã hội, dịch vụ… yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân mới được sử dụng Ảnh: Hoàng Triều

Cần biện pháp kỹ thuật lẫn pháp lý

Trước hết, người dân cần lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa biết rõ về tổ chức, đơn vị yêu cầu cung cấp, mục đích của việc cung cấp. Các tổ chức, đơn vị cung cấp những dịch vụ trực tuyến cũng cần nghiêm túc rà soát lại hệ thống để bảo đảm dịch vụ, sản phẩm cung cấp cho khách hàng được bảo đảm an toàn thông tin; chỉ nên sử dụng dịch vụ của các tổ chức uy tín, đã được tín nhiệm tại Việt Nam...

Đầu năm 2021, Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là bước tiến trong việc luật hóa vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Trong đó, hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của người khác có thể bị phạt từ 50-100 triệu đồng.

Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần có những biện pháp kỹ thuật lẫn pháp lý. Theo đó, bắt buộc các tổ chức thu thập phải mã hóa trước khi lưu trữ và sử dụng. Bên cạnh đó, dự luật cần làm rõ hành vi thu thập thông tin cá nhân một cách trái phép qua các hình thức cho tặng, mua bán giữa các cá nhân và tổ chức. Thực tế, nhiều vụ việc nhỏ lẻ hiện nay rất khó xác định đối tượng thu thập, tiết lộ thông tin cá nhân. Chẳng hạn, danh sách khách hàng mua nhà, mua xe, mua sắm tại các hệ thống siêu thị... bị trao đổi, mua bán tràn lan trên mạng nhưng các doanh nghiệp liên quan đều khẳng định không biết, không liên quan.

Các dịch vụ mạng đều đòi hỏi người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân mới được sử dụng dịch vụ. Một cách tiếp cận khác của dự luật là cấm hoặc phạt nặng tổ chức, cá nhân khai thác quảng cáo khuyến mãi các dữ liệu thu thập mà khách hàng không đồng ý. Nếu làm được điều này, nhu cầu mua dữ liệu quảng cáo sẽ không còn.

Luật bảo vệ thông tin cá nhân

Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Luật An toàn thông tin mạng 2015 cũng nghiêm cấm việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Nghị định của Chính phủ cũng nêu rõ: Người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.

TƯƠNG QUAN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/rao-ban-thong-tin-ca-nhan-phai-xu-nghiem-20210521213344862.htm