'Rào cản' cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh
Văn hóa và Đời sống - Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo (gọi tắt là Thông tư 50) có hiệu lực từ ngày 31-3-2021, được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh trong việc làm quen sớm với tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng, chuẩn bị tốt việc học môn này ở bậc tiểu học... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều 'rào cản' trong triển khai đại trà.
Cô trò Trường Mầm non Thọ Thế (Triệu Sơn) trong giờ học.
Khó vì “trắng” đội ngũ giáo viên
Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là vấn đề không mới đối với các trường mầm non tư thục trên tinh thần đăng ký tự nguyện của phụ huynh học sinh. Còn đối với các trường mầm non công lập, đặc biệt là các trường mầm non tại các huyện đồng bằng, miền núi, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh còn khá xa lạ.
Cô giáo Phạm Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thọ Thế (Triệu Sơn) chia sẻ: “Trường Mầm non Thọ Thế có tổng số 219 học sinh, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phụ huynh rất mong muốn cho con em mình được học làm quen với tiếng Anh, đặc biệt là phụ huynh học sinh các lớp 5 tuổi, để chuẩn bị cho các cháu vào học lớp 1. Tuy nhiên, thực tế trường chúng tôi chưa từng có tiền lệ dạy tiếng Anh cho các con. Trường hiện cũng không có giáo viên tiếng Anh, nên việc triển khai không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào? Chúng tôi cần có công văn hướng dẫn cụ thể của các cấp quản lý để có hướng triển khai, thực hiện đúng”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Chung Thị Lan, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn, chia sẻ: “Huyện Triệu Sơn có tổng số 37 trường mầm non (36 trường công lập và 1 trường tư thục), nếu tổ chức dạy đại trà cho trẻ làm quen với tiếng Anh thì huyện cần có thời gian và lộ trình để thực hiện. Qua nghiên cứu Thông tư 50, chúng tôi nhận thấy điểm mấu chốt ở đây là vấn đề giáo viên. Thông tư 50 nêu rõ: Hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo không phát sinh biên chế giáo viên, nhưng lại không quy định cụ thể về việc hợp đồng hay liên kết để có giáo viên tiếng Anh. Trong khi đó, thực tế tại địa phương, giáo viên tiếng Anh tiểu học và THCS còn thiếu, việc huy động giáo viên tiếng Anh cho các trường mầm non trước mắt là điều không thể thực hiện được. Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục và các nhà trường có những nghiên cứu để đáp ứng nếu phụ huynh có yêu cầu”.
Việc cho trẻ tiếp cận tiếng Anh từ nhỏ đã được chứng minh là hiệu quả và hoàn toàn phù hợp vì ở lứa tuổi này, trẻ sẽ phát triển năng lực giao tiếp tự nhiên, giúp trẻ phát triển tư duy, vận động. Bà Hoàng Thị Oanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, cho biết: Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa hiện có 43 trường mầm non công lập, 3 trường mầm non tư thục và 2 nhóm trẻ độc lập tư thục. Hiện nay, các đơn vị tư thục đã bước đầu cho trẻ làm quen với tiếng Anh, nhưng các trường công thì chưa thực hiện được. Một số trường từng dự kiến liên kết với các trung tâm tiếng Anh được cấp phép trên địa bàn. Song việc này lại chưa có quy định pháp luật cụ thể, thêm vào đó đội ngũ giáo viên của trung tâm hầu như chưa có nghiệp vụ chuyên môn mầm non, chương trình chưa được thẩm định, phê duyệt.
Cũng băn khoăn về vấn đề giáo viên tiếng Anh mầm non, bà Mạc Thị Ngọc, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho rằng: Nếu không cho phát sinh thêm biên chế giáo viên tiếng Anh, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về giáo viên giảng dạy khi thực hiện đại trà cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Bởi các trường mầm non đều không có giáo viên tiếng Anh, đồng nghĩa với việc phải thuê giáo viên ngoài. Vậy thuê giáo viên ngoài thì tiêu chuẩn cụ thể ra sao? Mức chi trả cho giáo viên và mức thu học phí đối với trẻ có nhu cầu học sẽ như thế nào?
Khó về cơ sở vật chất
Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT về chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được xây dựng với thời lượng 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25-35 phút trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện và phụ huynh có nhu cầu.
Trường Mầm non Dân Quyền (huyện Triệu Sơn) hiện vẫn còn 2 điểm trường phụ và 1 điểm trường chính cách khá xa nhau với tổng số 420 học sinh. Cô giáo Lê Thị Minh, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết: Dân Quyền là xã thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều vất vả, tuy vậy nhu cầu của phụ huynh mong muốn cho con học làm quen tiếng Anh lại rất lớn. Cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, hệ thống tivi đã dùng khá lâu, chưa có phòng học riêng, các điểm lẻ lại cách khá xa điểm trường chính... nên chưa thể triển khai cho trẻ học làm quen với tiếng Anh.
Liên quan đến cơ sở vật chất, tài liệu, học liệu, Thông tư 50 có nội dung: “Tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh phải được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt”. Nhưng thông tư này lại không cung cấp danh sách các chương trình đào tạo đã được phê duyệt dành cho trẻ mầm non để các nhà trường tham khảo... Bà Trương Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Thông tư 50 đã rất mở, tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, cần chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời theo dõi và hỗ trợ trẻ giao tiếp tương tác bằng tiếng Anh kịp thời trong quá trình làm quen. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang chờ hướng dẫn cụ thể của bộ để triển khai cụ thể đến các nhà trường.
Điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương là khác nhau, để có thể thực hiện việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh một cách đồng bộ và hiệu quả theo tinh thần của Thông tư 50 vẫn cần có một chương trình chung làm định hướng để các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Về lâu về dài, cần đưa hoạt động làm quen với tiếng Anh như một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục mầm non chính khóa để phát triển sớm năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh.