Rào cản nào khiến tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm?
Dù đã hết quý I, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt khoảng 2%, cho thấy dư địa tăng trưởng trong thời gian tới còn rất lớn.
Sau sáp nhập, quy mô dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động tại khu vực 12 chỉ đứng sau hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Khu vực 12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 chi nhánh NHNN tại các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn
Ông Tạ Thành Long, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 12 cho biết: "Sau sáp nhập, quy mô dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động tại khu vực 12 chỉ đứng sau hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM".
Theo số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh Khu vực 12, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, tổng huy động vốn trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng bình quân 2,06% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng ước đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm, trong đó, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng khá, các tỉnh còn lại giảm nhẹ.
Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng ổn định. Gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục được giải ngân tốt. Gói tín dụng ưu đãi 145.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng đã bắt đầu được giải ngân và phát sinh dư nợ sau thời gian triển khai.
Để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% của cả nước và 8%-10% của 5 tỉnh Khu vực 12, ước tính quy mô tín dụng cần tăng thêm khoảng 189.000 tỉ đồng. Đây là một thách thức đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của toàn ngành ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các địa phương.
Khu vực 12 thuộc vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế năng động, có tầm ảnh hưởng lớn của cả nước nhờ sự phát triển vượt bậc trong công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa. Khu vực này đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm.
Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... đang tạo động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện. Điều này cho thấy khu vực có tiềm năng lớn để thu hút vốn huy động và tăng quy mô dư nợ tín dụng trong thời gian tới.

Dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn rất lớn. Ảnh minh họa
Chia sẻ về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi thị trường để có định hướng điều hành lãi suất, song song đó cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đổi mới mô hình giao dịch theo hướng tăng hàm lượng số hóa các giao dịch để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
"Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến nay mới đạt 2% nên dư địa tăng trưởng tín dụng tới đây còn rất lớn” - bà Phương nói thêm.
Ngân hàng cũng cần được tháo gỡ khó khăn
Từ góc độ ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Khu vực 12 bao gồm các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nơi đây nhiều năm qua luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2025, nhiều tỉnh thành trong khu vực Đông Nam Bộ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số (như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...). Đây là cơ hội thuận lợi để các ngân hàng thương mại nói chung và Agribank nói riêng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Tại địa bàn 5 tỉnh thuộc Khu vực 12, Agribank hiện có 10 chi nhánh loại I, 53 chi nhánh loại II cùng mạng lưới phòng giao dịch. Tính đến ngày 31/3/2025, dư nợ của 10 chi nhánh Agribank tại đây đạt gần 164.000 tỉ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm và chiếm 9,3% tổng dư nợ toàn hệ thống Agribank.
Trong đó, dư nợ cho khách hàng doanh nghiệp đạt hơn 30.000 tỉ đồng (chiếm 22% tổng dư nợ khu vực), dư nợ cho khách hàng cá nhân đạt hơn 127.000 tỉ đồng (chiếm 78%). Dự kiến đến hết năm 2025, dư nợ tín dụng của 10 chi nhánh này sẽ tăng thêm 18.700 tỉ đồng (tương đương 12%), đưa tổng quy mô dư nợ tại Khu vực 12 đạt khoảng 178.000 tỉ đồng, với tỷ lệ nợ xấu dự kiến kiểm soát ở mức 1,1%.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung và tại Khu vực 12, bà Phùng Thị Bình đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, chính quyền các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, có chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho các ngân hàng thương mại trong việc mở rộng tín dụng.
Ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động nhằm ổn định lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, tính đến ngày 20-3-2025, lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2024.
Thứ hai, các Sở, Ngành, Hiệp hội tiếp tục có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng sản xuất, có hệ thống dự báo, định hướng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là các sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo phát triển tín dụng nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Thứ ba, để thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”, bà Bình đề nghị các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và công khai các quy hoạch, kế hoạch này. Đồng thời, cần giới thiệu quỹ đất sạch cho doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư nhà ở xã hội; cân đối, bố trí ngân sách địa phương để có thêm chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/rao-can-nao-khien-tang-truong-tin-dung-van-con-cham-post842173.html