Rào cản trong việc tắt sóng 2G
Nhiều thách thức đặt ra với nhà mạng khi hạn xóa sổ thuê bao 2G only đang đến gần…
Giải phóng “băng tần vàng”
Theo lộ trình Bộ Thông tin và Truyền thông ấn định, đến tháng 9/2024, trên mạng di động Việt Nam sẽ không còn thuê 2G only. Tuy nhiên, do còn một lượng thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp tính năng VoLTE, tức là tính năng trao đổi qua nền tảng 4G, buộc phải dùng thoại qua nền tảng 2G, 3G, nên vẫn được tiếp tục sử dụng đến tháng 9/2026.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm trên băng tần 900 MHz để cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng 2G cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE. Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho các đơn vị phát triển công nghệ 4G, 5G”, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.
Đánh giá về hiệu quả của việc tắt sóng 2G, ông Nguyễn Duy Luân, chuyên gia mạng không dây Huawei cho biết, lợi ích thiết thực nhất đối với nhà mạng là tiết kiệm chi phí vận hành. Thiết bị cũ thường tốn điện, chi phí sửa chữa, vật tư... Một phần quan trọng nữa là 2G và 3G đang sử dụng băng tần “vàng” 900 MHz có lợi thế vùng phủ rộng hơn nhiều.
Cùng một khu vực, nếu dùng băng tần 1800 MHz cần khoảng 1.000 trạm, nhưng nếu dùng băng tần 900 MHz sẽ giảm được một nửa số trạm. Dùng băng tần thấp sẽ tiết kiệm được chi phí, cùng một chất lượng mạng lưới nhưng chi phí cung cấp thấp hơn. “Đây là hiệu quả rõ rệt, tác nhân chính để tắt 2G, chuyển dịch sang công nghệ mới như 4G, 5G”, ông Luân cho biết.
Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thay thế thiết bị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc True IDC Việt Nam cho rằng, 2G đã hết khấu hao từ lâu, việc vận hành rất tốn điện. Đặc biệt, duy trì 2G nhiều carbon thải ra sẽ là điểm trừ cho doanh nghiệp khi đánh giá về quản trị bền vững. “Chính phủ nên quyết liệt để đóng 2G càng sớm càng tốt, dành băng tần cho các công nghệ mới. Đây là băng tần vàng, là nguồn tài nguyên rất quý giá”, ông Hùng khuyến nghị.
Còn ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử đánh giá, việc tắt sóng những công nghệ cũ như 2G, 3G sẽ loại bỏ những dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng dịch vụ chất lượng cao, tốc độ cao, từ đó giúp sớm đưa cả xã hội lên môi trường số. Doanh nghiệp sẽ được loại bỏ công nghệ cũ, giảm bớt chi phí khai thác và góp phần phát triển công nghệ xanh. Còn với Nhà nước, lợi ích giải phóng băng tần cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới có hiệu quả sử dụng cao hơn.
Chia sẻ về lý do chọn việc tắt sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cơ quan quản lý nhà nước mong muốn người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận nhanh với môi trường số, dịch vụ trên băng rộng di động. Do vậy, dừng công nghệ 2G là chủ trương chính nhằm đưa người dân sử dụng điện thoại thông minh.
Nhận diện rào cản
Tính đến thời điểm hiện tại, theo số liệu của Cục Viễn thông, tại Việt Nam, vẫn còn gần 16 triệu thuê bao 2G. Phần lớn lượng thuê bao này là người dân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Việc bỏ ra chi phí để thay điện thoại là một vấn đề lớn.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, Viettel hiện còn khoảng 16% thuê bao 2G cần chuyển đổi, trong đó 70% là người dùng nông thôn, miền núi. Các khách hàng này có khả năng tiếp cận thông tin thấp, khả năng tiếp cận các kênh chuyển đổi của Viettel cũng thấp. Cùng với đó, rào cản khi khách hàng phải bỏ tiền để thay thế thiết bị rất lớn...
Theo ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó trưởng ban Công nghệ của VNPT, với nhà mạng này, tỷ trọng sóng 3G tương đối lớn, phải rà soát lại năng lực hạ tầng. Nhà mạng ước tính chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Rào cản thứ 2 là cách tiếp cận thuê bao hiệu quả, có kịch bản chuyển đổi cho khách hàng tốt nhất có thể. VNPT đang lên phương án chi tiết để chuyển đổi cho khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Trong khi đó, ông Lê Mai Sơn, Phó trưởng ban Truyền thông của MobiFone nhận định, một trong những khó khăn là việc tiếp nhận thông tin về chủ trương, lộ trình tắt sóng 2G của khách hàng chưa được tốt. Nhiều người nhận tin nhắn nhưng không đọc, vẫn có một số khách hàng chưa nắm được thông tin, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.
Liên quan đến rào cản thay thế thiết bị cho người yếu thế, theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố huy động nguồn xã hội hóa. Một số vùng không thuộc diện Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ cũng sẽ được lưu tâm, đảm bảo việc chuyển đổi đồng bộ”, ông Nhã cho biết.
Được biết, Viettel đang có chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi 2G lên 4G lên đến 50% giá máy, chỉ gần 300.000 đồng/máy. VNPT cũng có kế hoạch sản xuất smartphone 4G giá rẻ hỗ trợ người dùng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rao-can-trong-viec-tat-song-2g-d204826.html