Rào cản và cơ hội

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, mang đến nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp Lào Cai nói riêng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp đứng trước cơ hội quý để sử dụng các công nghệ mới, đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các ngành kinh tế phát triển khác.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp:

Bài 1: Còn nhiều khó khăn

Bài cuối: Cơ hội và giải pháp

Cơ hội vàng

Thực hiện chuyển đổi số sẽ tạo được hệ thống dữ liệu của ngành nông nghiệp Lào Cai như theo dõi diễn biến rừng, đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, môi trường, thời tiết... giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ, chia sẻ máy móc, thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Nông sản Lào Cai được dán mã QR-code.

Nông sản Lào Cai được dán mã QR-code.

Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng chuyển đổi số bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp Lào Cai. Đó là thay đổi nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có quyết định, hướng đi phù hợp và hiệu quả với biến động của môi trường, xã hội và thị trường. Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tốc độ trong quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Qua đó, hạn chế được các rào cản về không gian, thời gian, tính đồng bộ trong dự báo, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sản xuất và ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhờ hệ thống dữ liệu được cập nhật liên tục.

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương. Thay vì bị giới hạn bởi không gian vật lý như trước đây, nền nông nghiệp dựa trên nền tảng internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kết nối, công nghệ sinh học… sẽ mở ra không gian kết nối rộng lớn, không giới hạn, giúp nông dân có thể phân tích dữ liệu về môi trường, loại đất, cây trồng và giai đoạn trưởng thành của cây trồng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Dựa trên các dữ liệu được cung cấp, nông dân sẽ đưa ra các quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch …), giúp giảm chi phí, giảm ô nhiễm tài nguyên nước và đất, bảo vệ đa dạng sinh học.

Thực tế tại nhiều mô hình cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm một nửa chi phí và công sức lao động, trong khi năng suất có thể tăng 30%. Việc ứng dụng công nghệ vào các khâu, nhất là khâu bán hàng, chăm sóc khách hàng còn khiến doanh thu của các mô hình tăng theo cấp số nhân. Điều này được chứng minh tại mô hình sản xuất của Hợp tác xã Thế Tuấn, huyện Văn Bàn: Chỉ trong hơn 1 năm tham gia chuyển đổi số, doanh thu của hợp tác xã đã tăng hơn 200%. Các khâu quản lý, chăm sóc, theo dõi diễn biến sinh trưởng cây trồng, ghi nhật ký đồng ruộng đều thực hiện trên nền tảng công nghệ giúp giảm số lượng nhân công và chi phí quản lý.

Hơn nữa, việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy cập, giám sát các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản. Ngoài ra, ứng dụng kỹ thuật số trong nông nghiệp góp phần tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa cung và cầu, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, từ đó nâng cao sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.

Ứng dụng nền tảng số cũng là cơ hội để đưa nông sản từ trang trại của người nông dân đi xa hơn, dễ dàng đến với người tiêu dùng khắp nơi. Chính nhờ môi trường số, những sản phẩm nông nghiệp ở các thôn vùng cao Lào Cai có thể đến tận tay người tiêu dùng cả nước. Những sản phẩm mận Tam hoa Bắc Hà, mận Tả Van Si Ma Cai, lê Tai nung, thịt trâu sấy, cá hồi sấy, ruốc cá hồi, gạo Séng cù… đã được các đơn vị đưa lên sàn thương mại tử, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả nước.

Ứng dụng công nghệ vào bán hàng giúp tăng doanh thu theo cấp số nhân.

Ứng dụng công nghệ vào bán hàng giúp tăng doanh thu theo cấp số nhân.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Theo phân tích của ngành nông nghiệp, với nhiều lợi ích và cơ hội chuyển đổi số mang lại, các ngành, địa phương cần nhìn nhận thực trạng, khó khăn, nắm bắt cơ hội để triển khai các giải pháp đẩy nhanh và bắt nhịp với tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước hết, các cấp, các ngành, các địa phương cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp với tình hình từng địa phương, kịp thời, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số về nông nghiệp, yếu tố quan trọng nhất quyết định tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp diễn ra nhanh và hiệu quả là phải giải quyết được khâu kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, thị trường và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, khâu cốt lõi của kết nối lại là hệ thống dữ liệu cơ sở dùng chung để tất cả cùng có thể truy cập, cung cấp, khai thác thông tin phục vụ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ… nông sản. Vì vậy, việc trước hết của ngành nông nghiệp và các cấp, các ngành liên quan là phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung đầy đủ, chuẩn, tin cậy, đặc biệt là hệ thống dữ liệu nông nghiệp: Đất đai, cây trồng, vật nuôi, vùng canh tác, người sản xuất, lượng nông sản, dịch vụ và số hóa các văn bản hành chính, dự báo tình hình thị trường…

Song song với xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cần thay đổi nhận thức của nông dân về chuyển đổi số, giúp nông dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng và lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chỉ khi đó, họ mới chủ động tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Cần đẩy mạnh truyền thông, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản để nông dân học và làm theo.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, lao động trẻ, người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về ứng dụng công nghệ cao…

Mặc dù đã tích cực tham gia tiến trình chuyển đổi số nhưng ngành nông nghiệp Lào Cai vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai các giải pháp để ngành nông nghiệp Lào Cai chuyển đổi số hiệu quả, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363410-rao-can-va-co-hoi