Rất khó để ngăn thông tin sai lệch trên TikTok

Nhiều nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đã lợi dụng content bẩn để câu view, tăng tương tác.

TikTok hiện nay là mạng xã hội “gây nghiện” đối với giới trẻ bởi tính giải trí cao, nội dung ngắn gọn, dễ xem, dễ nhớ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung không lành mạnh, phản cảm, tạo ra làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận. Thậm chí, thuật toán của TikTok còn giúp các thông tin độc hại dễ tạo xu hướng, lan tỏa rộng rãi đến người dùng, gây ảnh hưởng đến tâm lý giới trẻ.

Nội dung bẩn tràn lan trên TikTok

Theo ghi nhận của PV, thời gian qua, nhiều video với tiêu đề “Những bằng đại học vô dụng” đã thu hút hàng ngàn người xem và lượt chia sẻ. Một số ngành học như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing, quản trị nhân sự… bị các TikToker đánh giá là vô dụng, kiến thức chung chung, không cần học cũng làm được. Cụ thể, tài khoản TikTok có tên HD cho rằng: “Ngành quản trị kinh doanh ra trường chỉ có đi làm sale hoặc marketing thôi”, còn “quản trị nhân sự sử dụng kỹ năng mềm là nhiều, mình thấy không cần bằng đại học cũng làm được”.

Khi mùa tuyển sinh đại học đang đến gần, các clip này lại dễ tạo xu hướng, xuất hiện tràn lan, khiến các thí sinh băn khoăn, đắn đo trước nguyện vọng của mình.

Ông TTĐL (51 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, tp.hcm) chia sẻ: “Con tôi năm nay thi đại học, tôi rất lo lắng nếu như học sinh tiếp xúc với những thông tin này. Chúng sẽ mất đi động lực học tập, động lực phấn đấu và dễ rơi vào con đường tiêu cực”.

Chị HTK (42 tuổi, trú quận Bình Thạnh, tp.hcm) cho biết chị đã hạn chế tối đa việc các con sử dụng TikTok, chị sợ tụi nhỏ mất đi tương tác với những người xung quanh, sao nhãng chuyện học tập.

“Tôi thấy lo ngại khi các bạn nhỏ vào lớp giao tiếp với nhau bằng từ lóng học được từ các clip trên TikTok với thái độ thích thú, vui vẻ. Độ tuổi này các con đang làm quen với ngôn ngữ, tuy nhiên lại ghi nhớ vào bộ não của mình những từ ngữ nhạy cảm. Không dừng lại ở đó, TikTok còn phát tán các trào lưu gây nguy hiểm như “chặn đầu xe tải”, “nhịn thở”, “gương lửa”... đã khiến nhiều nạn nhân thiệt mạng. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học cũng như tính cách của trẻ sau này” - chị K nói.

Tràn lan video nhảy múa phản cảm, khiêu dâm trên TikTok. Ảnh: TH

Tràn lan video nhảy múa phản cảm, khiêu dâm trên TikTok. Ảnh: TH

TikTok có thể tác động tiêu cực đến giới trẻ

Theo TS tâm lý học Đào Lê Hòa An, TikTok là mạng xã hội thu hút giới trẻ, đặc biệt là người dùng trong độ tuổi 13-24. Đây là đối tượng đang trong quá trình phát triển, dễ bị chi phối bởi những nội dung không lành mạnh.

Nếu không sử dụng đúng cách, TikTok sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với giới trẻ. Cụ thể, một trong những vấn đề nguy hiểm của ứng dụng này là phổ biến nội dung không lành mạnh, bao gồm nội dung khiêu dâm và bạo lực. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra, TikTok còn tạo ra áp lực về sự hoàn hảo (mang tính hoang tưởng) đối với người dùng trẻ tuổi.

Thậm chí, việc chia sẻ thông tin sai lệch và tin tức giả trên TikTok có thể gây hại đến tri thức của người dùng, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc và hành động tiêu cực.

Cũng theo TS An, mức độ lan truyền thông tin độc hại trên TikTok nhanh chóng do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm đối tượng người dùng, thuật toán phân phối nội dung, thiếu kiểm duyệt nội dung và tính tương tác cao.

“Nguyên nhân một phần cũng do người dùng sử dụng không đúng cách. TikTok phân phối nội dung đến người dùng dựa trên sự tương tác của nội dung trước đó. Nếu trước đó người dùng tương tác với nội dung tiêu cực, thuật toán sẽ gửi đến những nội dung tương tự và ngược lại” - TS An nói.

Để giảm thiểu mức độ nguy hiểm của TikTok đối với giới trẻ, cần có sự cố gắng chung từ phía người dùng lẫn nhà phát triển ứng dụng để cùng tạo ra môi trường mạng an toàn và lành mạnh. Khi tiếp cận những thông tin trên TikTok, người dùng nên kiểm tra chéo với các nền tảng khác để biết độ chính xác. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đề ra bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Qua đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để các nhà sáng tạo nội dung và người dùng sử dụng ứng dụng đúng cách.

Trao đổi về cách ngăn chặn nội dung độc hại lan truyền trên TikTok, luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng tổ chức quản trị nền tảng này cần khắc phục ngay tình trạng quản lý lỏng lẻo, buộc kiểm duyệt khâu mở tài khoản và nội dung đăng tải chặt chẽ...

Đối với pháp nhân, cá nhân vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội, yêu cầu xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn nạn, hệ lụy khi sử dụng mạng xã hội mà không sàng lọc thông tin khiến các nội dung độc hại gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, nhân cách, lối sống cá nhân.•

Nên có giải pháp ngăn chặn để hạn chế tiêu cực trên TikTok

Vừa qua Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Sẽ ngăn chặn “sóng ngầm” tiêu cực của TikTok”, bài viết đã nhận được một số ý kiến phản hồi của bạn đọc.

- “Quy định cộng đồng của TikTok quá lỏng lẻo, giờ gia đình tôi cấm con trẻ dùng TikTok rồi, hở ra là thấy nội dung kinh dị, rồi có clip có nội dung, hình ảnh không phù hợp với trẻ em” - bạn đọc Ân Nhi.

- “TikTok bị nhiều nước cấm và cảnh báo rồi, cơ quan quản lý cũng nên xem xét và có giải pháp ngăn chặn để hạn chế tiêu cực trên TikTok” - bạn đọc Doãn Hiếu.

- “Nhiều người dễ nổi tiếng qua TikTok quá, nhiều khi qua một đêm mà có hàng ngàn người follow nên giờ mới có nhiều người kiếm tiền từ TikTok” - bạn đọc Hạ Phong.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/rat-kho-de-ngan-thong-tin-sai-lech-tren-tiktok-post728694.html