Rất khó xác minh giá trị thực của giao dịch nhà đất; Đơn vị thẩm định giá có hiện tượng 'đi đêm' với nhà đầu tư
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mẫu sổ đỏ mới; Doanh nghiệp tác động vào quy hoạch bằng nhiều cách không chính thức; Hà Nội yêu cầu sớm cấp sổ đỏ cho người dân khu đô thị Thanh Hà.
Bộ Tài chính: Rất khó xác minh giá trị thực của các giao dịch bất động sản
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã điểm ra các khó khăn trong việc xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
“Bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa. Do đó, rất khó để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản, nhất là khi cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, giá trị hợp đồng mua bán của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư. Thậm chí, khi đã được cấp sổ, nhà đầu tư sẵn sàng khai báo con số thấp hơn mức giá của chủ đầu tư. Bộ cho biết, điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.
Đơn vị thẩm định giá đất có hiện tượng “đi đêm” với nhà đầu tư
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có tờ trình kèm dự thảo quyết định phê duyệt đề án giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn.
Trong đề án, Sở đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trên địa bàn thành phố có gần 100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động có chức năng thẩm định giá đất. Tuy nhiên, thực tế chỉ có chưa đến 10 doanh nghiệp thực hiện công việc này. Rất nhiều hồ sơ dự án được chào thầu nhưng không có đơn vị nào tham gia.
Bên cạnh đó, những quy định chặt chẽ của Luật Đấu thầu cũng dẫn đến việc lựa chọn đơn vị định giá đất mất nhiều thời gian. Các quy định hiện hành cũng chưa có chế tài đối với các doanh nghiệp có chức năng nhưng không tham gia định giá đất.
Đáng chú ý, Sở đã ghi nhận hiện tượng một số đơn vị tư vấn “dễ làm, khó buông”. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có hiện tượng “đi đêm” với nhà đầu tư để nhận thêm phần thù lao thẩm định giá ngoài quy định của hợp đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mẫu sổ đỏ mới
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) và hồ sơ địa chính.
Theo đó, mẫu sổ đỏ mới sẽ có một số thay đổi. Cụ thể, sổ đỏ mới sẽ bao gồm một tờ có 2 trang, được in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi giấy chứng nhận), với kích thước 210 x 297mm.
Đặc biệt, sổ đỏ mới sẽ được in mã QR thay vì chỉ có mã vạch như hiện nay. Theo các chuyên gia pháp lý, việc thêm mã QR sẽ tăng cường tính bảo mật và an toàn thông tin, trong bối cảnh tình trạng làm giả giấy tờ tràn lan. Ngoài ra, mã QR cũng sẽ cho phép người sở hữu truy cứu thông tin một cách nhanh chóng.
Doanh nghiệp tác động vào quy hoạch bằng nhiều cách không chính thức
Góp ý về điều 12 của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc cấm doanh nghiệp tài trợ trực tiếp cho đồ án có thể sẽ không phát huy được hiệu quả. Các doanh nghiệp vẫn tìm được nhiều cách khác nhau để tác động vào nội dung quy hoạch bằng những con đường không chính thức.
Để giải quyết “bài toán” trên, phía VCCI đề xuất rằng, dự thảo vẫn cho phép doanh nghiệp tài trợ đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, các thông tin về việc tài trợ này sẽ được công khai. Đi kèm với đó, quy trình thẩm tra, thẩm định, lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch sẽ được làm kỹ lưỡng hơn bình thường và có sự giám sát của nhiều bên hơn.
Hiện điều 12 của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cho phép doanh nghiệp được quyền tài trợ cho việc xây dựng các quy hoạch. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp sẽ không được thanh toán trực tiếp cho tổ chức tư vấn lập quy hoạch, mà phải nộp vào ngân sách, sau đó chi trả theo các quy định về quản lý ngân sách Nhà nước.
Hà Nội yêu cầu sớm cấp sổ đỏ cho người dân khu đô thị Thanh Hà
Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đã giao các sở ngành và UBND địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, có biện pháp giải quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B.
“Trên cơ sở đó, xem xét đề xuất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân", Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo.
Quyết định trên là một phần trong kế hoạch giải quyết các vướng mắc, khó khăn xoay quanh việc đầu tư xây dựng trục đường phía Nam tỉnh Hà Tây.
Thời hạn để các đơn vị hoàn thành các nội dung chỉ đạo là trong tháng 5/2024.
Gần 9.000 căn hộ tái định cư tại TPHCM còn bỏ trống
Trong buổi họp báo gần đây, ông Đinh Thiên Tân, Trưởng Phòng Quản lý vận hành, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, thành phố hiện có 8.948 căn hộ tái định cư (thuộc sở hữu của Nhà nước) chưa bố trí cho người dân.
Các căn hộ trên nằm rải rác tại 85 chung cư, cụm chung cư trên khắp địa bàn thành phố. Một số khu vực có số lượng căn hộ để trống lớn, ví dụ như khu tái định cư Bình Khánh (TP. Thủ Đức) với hơn 5.300 căn.
Ngoài ra, thành phố còn có 320 căn ở quận 12, hơn 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), 470 căn hộ tái định cư tại quận Bình Thạnh… cũng đang trong tình trạng vắng bóng cư dân.
Đáng chú ý, hiện có 39 dự án chung cư đã có các văn bản, thông báo đề nghị thanh toán chi phí quản lý, vận hành các căn hộ trống, với số tiền hơn 81 tỷ đồng.
Hiện Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng chưa được lãnh đạo thành phố ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư và tham gia ban quản trị. Do đó, trung tâm không thể tham dự với vai trò đại diện chủ sở hữu để bỏ phiếu bầu ban quản trị nhà chung cư, thống nhất đơn giá quản lý vận hành và thanh toán các khoản chi phí liên quan.
Novaland lên tiếng về việc công an yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án Aqua City
Trước thông tin về việc Công an TP.HCM yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án khu đô thị Aqua City (tỉnh Đồng Nai), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho biết, những khách hàng nêu trên đã không chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự tại cơ quan tòa án hoặc trọng tài. Thay vào đó, họ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM.
Chính vì vậy, Cơ quan này đã và đang thực hiện công tác xác minh thông tin theo trình tự, thủ tục luật định để có phản hồi chính thức đến khách hàng.
Aqua City do Công ty TNHH Thành phố Aqua (công ty con của Novaland) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 305 ha với nhiều sản phẩm đa dạng như đất nền, biệt thự, nhà phố…
Trước đó, dự án đã gặp nhiều vướng mắc khiến tiến độ xây dựng chững lại, kéo theo nhiều khách hàng chưa được bàn giao nhà như cam kết. Hiện dự án đang được triển khai thi công xây dựng trở lại và nằm trong danh sách ưu tiên tháo gỡ pháp lý của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.