Rất nên lập lại Bộ Giáo dục
Lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo của Bộ GD&ĐT về Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN); chuyển hoạt động đào tạo nghề từ Bộ LĐTB&XH sang Bộ KH&CN; Bộ KH&CN sẽ đổi tên thành Bộ KH-CN&ĐT là đề xuất của Bộ Nội vụ với Chính phủ đang được các chuyên gia và dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Cần có đề án, nghiên cứu cặn kẽ
Trao đổi về những đề xuất trên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết: Phương án nào cũng có ưu và nhược điểm. Việc kết hợp khối khoa học công nghệ với trường đại học (ĐH) đã có nhiều quốc gia thực hiện và ở nước ta cũng đã không ít lần được đưa ra bàn tại các kỳ họp Quốc hội nhưng chưa thuyết phục được đại biểu. Vì thế, vấn đề mô hình như hiện nay, đó là Bộ GD&ĐT quản lý phổ thông và gắn với ĐH. “Tôi thấy, đề xuất của Bộ Nội vụ chuyển mảng đào tạo từ Bộ GD&ĐT sang Bộ KH&CN là có lý bởi giáo dục ĐH là trình độ cao, gắn với nghiên cứu khoa học sẽ phù hợp. Còn ghép đào tạo nghề ở Bộ LĐTB&XH vào Bộ KH&CN là đề xuất kỳ lạ” – ông Trọng Thi nói. Và cũng lưu ý, cần có đề án và điều quan trọng phải được trình bày một cách cặn kẽ, phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều nước, như Nhật Bản thực hiện một bộ quản lý đa ngành vì phù hợp với năng lực bộ máy của họ. Nhưng nước ta mà bắt chước Nhật Bản thì hỏng, bởi năng lực không được như họ. Tóm lại, năng lực đến đâu, xây dựng bộ máy đến đó cho phù hợp.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc mảng đào tạo nghề do Bộ LĐTB&XH quản lý chuyển sang Bộ KH&CN là không phù hợp, ông Trần Xuân Nhĩ đã có những phản hồi: Có cậu học sinh lớp 3 đã chế tạo được máy. Không chỉ từ những người có trình độ cao nghiên cứu những máy móc cao siêu, mà từ những cái đơn giản nhất. Đào tạo nghề và giáo dục ĐH là hệ thống liên thông với nhau, có sự thống nhất.
Cũng bàn về câu chuyện điều chuyển nhiệm vụ, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm đề nghị: Mảng đào tạo ĐH ở Bộ GD&ĐT nên chuyển về Bộ KH&CN để các trường có điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học, gắn khoa học với sản xuất. Hơn nữa, hiện đang là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, rất cần các trường ĐH ưu tiên nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ đào tạo nghề do Bộ LĐTB&XH đang quản lý chuyển về Bộ GD&ĐT để có sự quản lý giáo dục theo hệ thống từ mầm non, phổ thông, trường nghề. Khi đó, Bộ LĐTB&XH làm chính sách, đánh giá kết quả đào tạo giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, ĐH một cách khách quan. Đồng thời, Bộ LĐTB&XH đưa ra kế hoạch nguồn nhân lực chung cho xã hội.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm làm quản lý và nghiên cứu về giáo dục, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Lê Viết Khuyến đề nghị khoa học phải gắn với trường ĐH. Dù phương án nào đưa ra cũng phải mang tính hệ thống. Kinh nghiệm ở nhiều nước, giáo dục gồm cả đào tạo và giáo dục. Vì thế, ông Lê Viết Khuyến không tán thành với đề xuất của Bộ Nội vụ. Ông cho rằng, chuyển mảng ĐH sang Bộ KH&CN chỉ tiện quản lý nhưng cơ cấu đào tạo nhân lực không đồng bộ, bị chia tách. Theo ông Khuyến, để có tầm nhìn hệ thống, phương án quản lý tốt nhất là thực hiện mô hình như Thái Lan, giáo dục gồm 3 mảng: phổ thông, ĐH và dạy nghề. Như thế đúng nghĩa với phạm trù của giáo dục. Mảng đào tạo nghề do Bộ LĐTB&XH đang quản lý nên chuyển về Bộ GD&ĐT.
Cân nhắc để có phương án hợp lý
Nhiều năm trước, giáo dục nước nhà thuộc 4 bộ và cơ quan khác nhau: Bộ GD, Bộ ĐH và trung học chuyên nghiệp (THCN), Ủy ban bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, Tổng Cục dạy nghề. Đến năm 1985, Nhà nước sáp nhập thành 2 bộ: Bộ Giáo dục nhận Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em, để tên là Bộ GD; Bộ ĐH và THCN nhận Tổng cục dạy nghề, vẫn giữ tên Bộ ĐH và THCN. Đến năm 1990, Bộ Giáo dục và Bộ ĐH và THCN sáp nhập thành một mang tên Bộ GD&ĐT. Từ đó đến nay 30 năm có nhiều ý kiến đề xuất khác nhau, nhưng mô hình Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên. Vì thế, khi biết thông tin Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ lập lại Bộ GD, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc thấy rất hợp lý. “Bộ GD được lập lại sẽ đảm nhiệm giáo dục mầm non và phổ thông; giáo dục ĐH có thể chuyển về Bộ KH&CN... Nếu cứ để như hiện nay, Bộ GD&ĐT phụ trách giáo dục ĐH, Bộ LĐTB&XH quản lý đào tạo nghề rất bất hợp lý” – ông Phạm Minh Hạc nhận định. Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc còn chỉ ra sự bất cập, Bộ GD&ĐT quản lý giáo dục mầm non, phổ thông và cao đẳng, ĐH là hai hướng phát triển. Hai đối tượng này có chính sách quản lý khác nhau, việc học ở phổ thông và ĐH không giống nhau, thi cử cũng khác. Thời kỳ chúng tôi làm quản lý Bộ GD&ĐT cũng có đề xuất nhưng không được chấp nhận. Bây giờ đặt ra việc lập lại Bộ Giáo dục là hoàn toàn là hợp lý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng hoàn toàn tán thành với đề xuất của Bộ Nội vụ. Bởi từ 30 năm câu chuyện lập lại Bộ Giáo dục đã được đề cập đến nhưng chưa có kết quả. “Giáo dục phổ thông là nền tảng và hiện nay cả nước có gần 15 triệu học sinh bậc học mầm non và phổ thông. Nên lập lại Bộ Giáo dục để quản lý 1/6 dân số cả nước, có nhiều tính thống nhất. Trong khi đào tạo thì đa dạng, gắn với nghề và công nghệ, cuộc sống nhiều hơn. Vì thế, mảng đào tạo ĐH và đào tạo nghề nên chuyển về Bộ KH&CN quản lý là hợp lý nhất. “Nếu tách được mảng ĐH sang Bộ KH&CN, hy vọng Bộ Giáo dục làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Thực ra, hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa quản lý tốt giáo dục phổ thông. Vì thế chỉ khi quản lý mỗi giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục sẽ tuyển chọn những người chuyên nghiên cứu và quản lý ở bậc này (như trong giai đoạn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) sẽ làm rất tốt” - ông Nhĩ phân tích. Đồng thời cũng đồng ý chuyển mảng đào tạo nghề từ Bộ LĐTB&XH sang Bộ KH&CN vì cho rằng, nếu giao giáo dục ĐH và đào tạo nghề cho 2 bộ quản lý như hiện nay là sự chia tách có nhiều mâu thuẫn.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình việc chuyển các trường ĐH về Bộ KH&CN quản lý để tạo điều kiện cho Bộ GD&ĐT làm tốt hơn chức năng quản lý của mình. Bộ GD&ĐT sẽ sát sao với công việc quản lý và có những chính sách kịp thời, hợp lý với thực tế cuộc sống. Về phía các trường ĐH có cơ hội được nghiên cứu khoa học nhiều hơn, phục vụ vào sự phát triển của đất nước
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐ T B&XH Nguyễn Hữu Dũng: Nên để đào tạo nghề cho Bộ LĐTB&XH quản lý
Giáo dục, đào tạo và dạy nghề là 3 lĩnh vực khác nhau về đối tượng nhưng có mối quan hệ với nhau. Xét về chuyên môn, đào tạo gần với KH&CN hơn vì đều là lao động chất xám, trình độ tri thức cao và sản phẩm đầu ra là cho toàn xã hội. Vì thế, nếu chuyển mảng đào tạo ĐH về Bộ KH&CN cũng có thể được để giảm tải cho Bộ GD&ĐT khi đang phải đảm nhiệm công việc quá nặng hiện nay. Riêng về giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và việc làm, không nên đưa về Bộ KH&CN mà vẫn để Bộ LĐTB&XH quản lý sẽ tốt hơn. Vì để phát triển kỹ năng nghề không chỉ ở trường mà còn tại DN nữa, tức là đầu ra gắn với năng suất lao động. Vì thế, tôi đề nghị đưa mảng đào tạo ở Bộ GD&ĐT về Bộ KH&CN, còn hệ thống trường sư phạm vẫn nên để Bộ Giáo dục quản lý.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/rat-nen-lap-lai-bo-giao-duc-365726.html