Rất nhiều cơ chế, chính sách y tế cần phải được tháo gỡ với tinh thần quyết liệt
Ngành y tế đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất to lớn. Để gỡ khó cho y tế, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ngành y tế đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất to lớn
Chia sẻ tại Tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 23/2, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng "thách thức của ngành y tế đang hiện hữu".
Theo ông, "chúng ta vừa trải qua đại dịch COVID-19 trong 3 năm vừa qua, đã bộc lộ rất nhiều vấn đề về mặt thể chế, đầu tư, nguồn lực và xây dựng nền tảng y tế cơ sở với tư cách là chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đại dịch COVID-19 đã để lại tổn thất rất lớn cho ngành, nhiều bác sĩ đã phải hy sinh, cống hiến, đóng góp trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và rõ ràng chúng ta phải ghi nhận công lao to lớn của các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam. Điều đó không thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ nhiều vấn đề, kể cả về nguồn nhân lực, thể chế, vấn đề điều hành và cả vướng mắc ở nhiều khâu trong quá trình quản lý. Chúng ta đang đứng trước khó khăn, thách thức rất to lớn".
Gỡ khó cho y tế: Rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi: "Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đầu tiên là chúng ta phải chia sẻ với các thầy thuốc, chia sẻ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam là: Lương rất thấp, đời sống rất khó khăn. Làm việc rất nhiều nhưng không tính được thời gian làm thêm giờ. Làm ngày làm đêm nhưng thu nhập vẫn thấp".
Vậy các cơ quan hữu quan vào cuộc trong vấn đề này như thế nào?
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi: Đối với ngành y tế, trước tiên chúng ta phải giải quyết được vấn đề nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Chúng ta tự hào có 8-9 bác sĩ trên 1 vạn dân nhưng so với thế giới còn rất thấp.
Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân phải được bảo đảm. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, dù không có bệnh nhân nhưng vẫn phải có bác sĩ trực. Chúng ta không thể nói là giao chỉ tiêu theo việc, có bệnh nhân mới có bác sĩ. Phải tiếp tục phát triển nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực ngành y.
Phải minh bạch các thể chế, chính sách y tế
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, vấn đề thứ hai đối với ngành y tế chính là vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách để minh bạch các hoạt động.
Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng nếu chúng ta không ra các văn bản hướng dẫn thì sẽ tiếp tục ách tắc.
Rất nhiều văn bản, do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, các cơ sở khám chữa bệnh lại khó khăn. Vậy về mặt thể chế, chúng ta phải giải quyết sao cho minh bạch.
Chúng ta kêu gọi tính đúng, tính đủ, nhưng thực tế có tính đúng, tính đủ đâu
Vấn đề thứ ba, về giá dịch vụ khám chữa bệnh: "Chúng ta kêu là phải tính đúng, tính đủ về chi phí khám chữa bệnh nhưng trong thực tiễn có tính đúng, tính đủ đâu.
Tôi theo dõi và thấy rằng có những lần, tiền lương cơ sở được điều chỉnh nhưng hàng năm sau vẫn không điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức tiền lương cơ sở mới.
Tức là lương cơ sở 1.300.000 đồng thì khi điều chỉnh lên 1.490.000 đồng, chúng ta phải điều chỉnh ngay, đưa vào giá, đưa vào chi phí dịch vụ để bảo đảm đời sống, bảo đảm thu nhập giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng ta vẫn chậm, bảo tính đủ nhưng tôi cho là chưa phải, vẫn ách tắc, vướng mắc.
Vì chúng ta không tính đúng, tính đủ nên các cơ sở khám chữa bệnh không có nguồn thu, dẫn đến không có tiền lương, không có thu nhập, đời sống của cán bộ công chức, viên chức và thầy thuốc khó khăn.
Chính phủ, Quốc hội phải nhiều lần bàn để giải quyết vấn đề đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Đó là một vấn đề cần hết sức lưu ý".
Không thể giao quyền tự chủ khi bệnh viện chưa đủ điều kiện
Vấn đề tiếp theo là chúng ta nói giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh nhưng các cơ sở đó không đủ điều kiện, làm sao tự chủ toàn phần được.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi: "Việc thực hiện tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh phải lưu ý tới các vấn đề: Trước tiên, các bệnh viện tuyến Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, thì chúng ta phải chi trả chi phí này cho bệnh viện.
Thứ hai là phải đảm bảo thực hiện vấn đề an sinh xã hội.
Thêm nữa, các bệnh viện phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, không thể lấy việc bệnh viện tính đúng, tính đủ để mua được các thiết bị đó. Quy định về việc mua sắm, sử dụng máy móc thiết bị y tế của chúng ta còn vướng mắc.
Ông chia sẻ: "Tôi khuyến cáo Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an rằng, những máy móc, thiết bị y tế được thực hiện theo cơ chế đầu tư công-tư kết hợp, tư nhân đầu tư mà có sai phạm thì đó là sai phạm của con người, không phải sai phạm của máy móc.
Chúng ta phải giải tỏa vấn đề này để có máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không thể để tình trạng máy móc "đắp chiếu" nằm trong kho chờ xử lý sai phạm, còn người dân thì không có máy móc, thiết bị để điều trị.
Rồi việc nhập các vật tư, thiết bị y tế của chúng ta thực hiện rất chậm do cơ chế của chúng ta không linh hoạt".
Rất nhiều cơ chế, chính sách y tế cần được tháo gỡ với tinh thần quyết liệt
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, rất nhiều cơ chế, chính sách của ngành y tế cần được tháo gỡ quyết liệt. Với tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta cần chia sẻ với ngành y, phải có thuốc, vật tư, máy móc hiện đại để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta phải xử lý vấn đề này.
Vấn đề cuối cùng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, hệ thống chính trị cần quan tâm đến việc tổ chức, sắp xếp hệ thống y tế một cách đồng bộ, làm sao cơ sở y tế của chúng ta phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương và phải chuyển biến nhận thức của xã hội với ngành y tế.
Thầy thuốc, bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng vấn đề về cải cách tiền lương, bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế chưa đến nơi đến chốn nên còn rất khó khăn.
"Những thách thức, khó khăn của ngành y tế đang hiện hữu. Tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ. Đây là nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết của Trung ương. Có như vậy chúng ta mới có thể giải quyết được khó khăn của ngành y tế", TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, TS. Bùi Sỹ Lợi gửi đến các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục vượt qua thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chức năng được Đảng, Nhà nước giao cho. Đó là chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm cho người dân có cuộc sống, sức khỏe tốt nhất với tinh thần thầy thuốc như mẹ hiền.