Rau diếp đắt hơn cả bánh mì kẹp phô mai: Lạm phát ở Úc tăng nhanh nhất trong hơn 30 năm
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Philip Lowes cho biết, tốc độ lạm phát ở Úc đang tăng nhanh nhất trong hơn 30 năm qua.
Giá nông sản ở Úc tăng cao
Cô giáo cũng là bà mẹ hai con Jacqui Byard gần đây đã phải ngồi trao đổi lại với con trai của mình.
Cậu con trai 11 tuổi của cô thích có nho trong khẩu phần ăn trưa hàng ngày nhưng cô Byard nhận thấy giá trái cây và rau củ đã tăng lên đáng kể.
"Tôi sẽ không chi 15 đô la hai lần một tuần chỉ vì nho là món ăn yêu thích", cô chia sẻ với The Sydney Morning Herald khi đi dạo qua khu hàng rau củ quả ở chợ Queen Victoria, Melbourne.
Theo số liệu lạm phát hàng tháng mới do Cục Thống kê Australia công bố hồi cuối tháng 9 cho thấy, trái cây và rau củ là một trong những mặt hàng tăng giá nhanh nhất trong tháng 8, tăng 18,6% so cùng kỳ.
Byard cho biết, cô bắt đầu cảm thấy chi phí sinh hoạt tăng vọt vào đầu năm và nông sản không còn là những mặt hàng giá rẻ đáng tin cậy nữa, ngay cả khi cô mua các sản phẩm địa phương đang vào mùa.
"Khi tôi [muốn] đi siêu thị, đột nhiên tôi có cảm giác như mình đã chi tiêu nhiều hơn 50 đô la một tuần so với trước đây", Byard nói. "Giống như dâu tây: Bạn có thể mua chúng với giá rẻ nhất khoảng 3 đô la/giỏ, nhưng hiện tại giá của loại quả này đã nhỉnh hơn rồi".
Shaniful Shaniful, nhà cung cấp nông sản tại Chợ Queen Victoria cho biết, anh buộc phải tăng giá khi chi phí nhiên liệu tăng.
Anh cho biết anh đã cạnh tranh với các cửa hàng khác để cung cấp cho khách hàng mức giá thấp nhất có thể, nhưng chi phí bán buôn tăng cao đã làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của anh.
"Tiền bây giờ khó kiếm lắm. Giá cả thì quá đắt. Chúng tôi đưa giá quá cao và người dân không kham nổi".
Shaniful cho biết, hiện anh buộc phải bán dưa chuột với giá 8 đô la/kg tăng gấp đôi so với giá bán trước đó vốn là 4 hoặc 5 đô la/kg. Anh nói, táo, ớt và cà chua cũng tăng giá tương tự.
Lạm phát mạnh
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt của Úc đã lên đến đỉnh điểm khi giá các mặt hàng hàng ngày tăng vọt khiến rau tươi đắt hơn đồ ăn nhanh.
Một cây rau diếp hiện có giá khoảng 8 đô la, đắt hơn một chiếc bánh mì kẹp phô mai McDonald's có giá hơn 6 đô la.
Các siêu thị thừa nhận họ đã buộc phải chuyển phí tăng cao cho khách hàng và cảnh báo nó càng tăng cao hơn nữa.
Các nhà dinh dưỡng lo ngại tình hình này sẽ gây bất lợi cho sức khỏe của người Úc khi các gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống phải chuyển sang dùng đồ ăn vặt rẻ tiền hơn.
Doanh nhân Chris Lam, chủ cửa hàng ở khu Chinatown cho biết, giá thực phẩm tăng đột biến đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay và tình hình này bắt đầu tăng nhanh sau Lễ Phục sinh.
Theo Lam, giá cả đã tăng kể từ thời điểm bắt đầu đại dịch do áp lực từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Giá năng lượng và nhiên liệu tăng cũng góp phần đẩy chi phí vận chuyển thực phẩm lên cao.
Nền tảng so sánh tài chính cá nhân Finder, công ty đang theo dõi giá hàng tiêu dùng, cho biết căng thẳng của các hộ gia đình về hóa đơn nhu yếu phẩm cũng đã tăng lên trong năm qua.
Vào tháng 7, chính phủ Úc đã cảnh báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng cho đến khi đạt đỉnh 7,75% vào cuối năm. Một số nhà kinh tế nói rằng người Úc có thể vượt qua những chi phí gia tăng này và đối phó với lạm phát lên đến 8%.
Hôm 4/10, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Philip Lowes cũng cho hay, tốc độ lạm phát ở Úc đang tăng nhanh nhất trong hơn 30 năm qua.