Rau màu rớt giá, nông dân, tiểu thương gặp khó
Sau tết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều vựa rau màu của bà con nông dân lâm cảnh bỏ già, bỏ hỏng, bán không có người mua. Trong khi đó, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối… trên địa bàn tỉnh sau khi nhập hàng cũng phải chấp nhận bán đổ, bán tháo vì 'ế'.
Giá cả “chạm đáy” người dân xã Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa) không buồn thu hoạch
Chúng tôi về vựa rau màu xã Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa), một trong những xã có diện tích rau màu lớn cung cấp cho thị trường. Trái nghịch với không khí sau Tết mọi năm, các thương lái đổ về đây nhập hàng nườm nượp thì năm nay là khung cảnh đìu hiu vắng bóng trên các tuyến đường dẫn về xã. Trong khi đó, những cánh đồng rau xanh mướt, nhiều hộ dân cũng không buồn thu hoạch…
Bà Lê Thị Tạo (xã Hoằng Hợp) thất thần nhìn đống cà chua bỏ hỏng vì không ai mua
Đứng thất thần bên ruộng cà chua chín nhũn không buồn thu hoạch, bà Lê Thị Tạo thở dài: “Đầu tư bao nhiêu giống má, phân tro, thời tiết thuận, sản lượng cà chua càng lớn, thế nhưng chẳng có ai mua, cánh thương lái cũng bảo năm nay “ế” không dám nhập. Coi như năm nay gia đình thất thu”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nương - Giám đốc HTX rau an toàn (xã Hoằng Hợp, Huyện Hoằng Hóa) cho rằng: HTX quản lý gần 10 ha rau màu và hơn 30 hộ dân tham gia sản xuất. Mọi năm thời điểm sau tết, giá cả leo thang, rau củ quả được mùa, bà con có thu nhập no đủ. Năm nay thì trái ngược, giá các loại rau, củ, quả gần như chạm đáy giảm từ 50-70% thậm chí có loại lên tới 90%. Có thể so sánh như, cà chua (năm trước giá dao động từ 14 - 17 nghìn đồng/kg) thì nay chỉ con 2-3 nghìn đồng/kg; cải bắp (từ 8 nghìn đồng/kg năm trước) thì nay chỉ còn 3 nghìn đồng/kg; su su (từ 7-8 nghìn đồng/kg năm trước) thì năm nay chỉ còn 3 trăm đồng...
Bà Nương cho biết: Đơn vị năm nay xác định là thua lỗ để nhập với giá đảm bảo cho bà con thành viên. Tuy nhiên, đối với những hộ sản xuất rau ngoài thì gần như thất thu, nhiều ruộng người dân thậm chí không buồn thu hoạch.
Ông Tào Ngọc Quang - Chủ tịch xã Hoằng Hợp cho biết: Hiện toàn xã có tổng diện tích rau màu theo quy hoạch là trên 50ha. Với khoảng hơn 200 hộ dân trồng rau màu có quy mô sản xuất lớn từ 500 - 1000m2. Để đáp ứng phục vụ, xã Hoằng Hợp cũng có 2 HTX, là HTX dịch vụ nông nghiệp và HTX rau an toàn, vừa là sản xuất, bao tiêu cho bà con nông dân.
Theo ông Quang, thực trạng “được mùa rớt giá” ai cũng rõ, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến cho giá cả rau, củ rớt thảm hại, người nông dân gần như thất thu, thua lỗ nặng. Qua nắm bắt thì đa phần các nhà hàng, khách sạn, cũng như các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống chỉ nhập với số lượng lượng ít, cầm chừng. Cung vượt cầu dẫn tới ùn ứ, giá thành giảm sút nghiêm trọng. Tính tới thời điểm hiện tại, so với mọi năm, giá rau, củ... năm nay chỉ bằng 20 đến 30%.
Nhiều quầy hàng tại chợ đầu mối Thanh Hóa vắng bóng khách mua
Trong khi đó, theo ghi nhận tại chợ đầu mối Thanh Hóa (Chợ đầu mối lớn nhất tỉnh đóng tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) lượng nông sản đổ về đây lớn. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch nên lượng người mua ít dẫn tới ùn ứ, nhiều tiểu thương sau khi nhập hàng phải chấp nhận thua lỗ bán ra với giá rẻ mạt so với cùng kỳ những năm trước. Việc rau củ rớt giá khiến những hộ kinh doanh lâm cảnh đứng ngồi không yên vì lỗ vốn.
Chị Kim Thị Lài (tiểu thương chợ Đầu mối Thanh Hóa) cho biết: “Không nghĩ giá cả năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Tôi nhập nhiều mặt hàng rau, củ, quả về bán giá chỉ bằng 1/4, 1/5 so với giá nhập mà không ai mua. Ví như su su bán chỉ 1.000 đồng/kg; đậu ve 4.000 đồng/kg; cà chua 3.000 đồng/kg; bắp cải 3.000 đồng/kg…
“Nếu cứ đà ế ẩm chắc phải giảm nữa, thu hồi được phần nào đỡ phần nào. Tuy nhiên, giảm giá nữa cũng khó, bởi không có người mua thì bán cho ai?!” - Chị Lài bất lực nhìn quầy hàng bảo.
Chị Kim Thị Lài - Tiểu thương chợ đầu mối Thanh Hóa xác định thua lỗ giá quá thấp so với mọi năm
Giá các mặt hàng nông sản trên thị trường giảm mạnh kéo theo nhiều mặt hàng tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch nhỏ lẻ… giá cũng bị kéo theo.
Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc siêu thị Co.opmart Thanh Hóa cho biết: Hiện tại các mặt hàng nông sản của siêu thị chủ yếu nhập từ Đà Lạt, và một số vùng rau tiêu chuẩn trong tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, sức mua giảm tới 40 -50% so với cùng kỳ. Tính tới thời điểm hiện tại, dịch không chỉ ảnh hưởng tới các mặt hàng nông sản mà ảnh hưởng chung đến lượng tiêu thụ chung của siêu thị, ước tính giảm từ 10 -15% so với cùng kỳ năm trước.