Rau xanh tăng giá do nguồn cung khan hiếm
Thời gian qua, do thời tiết diễn biến bất thường khiến nhiều diện tích trồng rau màu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, nguồn cung rau xanh cho các chợ bị thiếu hụt dẫn tới giá rau xanh tăng cao.
Rau xanh đồng loạt tăng giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh
Những ngày qua thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích trồng rau màu trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Cải, xã Bắc Sơn (Ân Thi) chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1 sào trồng các loại rau theo mùa vụ. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Đầu tháng 6, gia đình tôi đã tiến hành trồng nhiều loại rau ăn lá nhưng do thời tiết nắng nóng, rau bị táp lá, kém phát triển khiến gia đình tôi mất nhiều chi phí chăm sóc, kéo dài thời gian cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, xã Thuần Hưng (Khoái Châu) chia sẻ: Gia đình tôi có gần 2 sào trồng hành lá và rau gia vị. Nếu như vụ trước, chúng tôi phải mang rau, hành đi đổ buôn cho thương lái và bán lẻ ở chợ thì hiện nay, hành lá và rau gia vị được thu mua tại ruộng, giá tăng gấp đôi so với thời điểm 1 tháng trước. Hàng ngày, thương lái vẫn liên hệ đặt hàng và đặt cọc trước nhưng chúng tôi phải hạn chế nhận đơn vì không đáp ứng đủ nguồn cung.
Hiện nay, tại các khu vực chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá các loại rau tăng từ 30 đến 40%, một số loại rau ăn lá như: Rau cải các loại, rau gia vị như: Hành, rau húng… giá tăng gấp đôi so với thời điểm 1 tháng trước. Đơn cử như giá rau muống từ 3 nghìn đồng/mớ đã tăng lên từ 5 đến 7 nghìn đồng/mớ; rau cải từ 15 nghìn đồng/kg đã tăng lên 30 nghìn đồng/kg, hành lá từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg đã tăng lên từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg, bí xanh từ 8 đến 10 nghìn đồng/kg đã tăng lên từ 15 đến 17 nghìn đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Ngát, tiểu thương buôn bán rau tại chợ trung tâm thị trấn Vương (Tiên Lữ) cho biết: Hiện nay, nguồn cung rau xanh cho tiểu thương trong chợ giảm mạnh khiến cho mặt hàng này tăng giá và giữ ở mức cao. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi nhập thêm nhiều loại rau, củ, quả từ các địa phương khác về bán. Tuy nhiên, do giá xăng tăng cao nên cước vận chuyển tăng, kéo theo các loại rau, củ, quả nhập về cũng phải bán giá cao.
Nhanh tay lựa chọn mua vài mớ rau để chuẩn bị cho bữa cơm tối của gia đình, chị Trịnh Thị Thanh, phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Bây giờ nhiều thứ tăng giá, đến cả mớ rau cũng có chiều hướng “leo thang”. Mặc dù đã lựa chọn các loại rau, củ, quả có giá thành rẻ hơn để phục vụ bữa ăn hàng ngày nhưng chi phí để mua rau xanh của gia đình tôi hiện nay đã tăng trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình công nhân như chúng tôi. Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là thời tiết ổn định để người dân sớm trồng thay thế các loại rau xanh, góp phần ổn định thị trường.
Nguyên nhân sụt giảm nguồn cung rau xanh là do trận mưa kéo dài nhiều ngày từ cuối tháng 5 khiến nhiều diện tích trồng rau bị ngập úng, chết. Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, nền nhiệt ở mức cao khiến cho rau chậm phát triển, giảm năng suất, ảnh hưởng thời gian thu hoạch. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tại các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn tỉnh như: Xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), xã Yên Phú (Yên Mỹ)… nông dân đang tích cực xuống giống, chăm sóc các loại rau đã gieo trồng để bảo đảm nguồn cung ra thị trường. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú (Yên Mỹ) cho biết: Đầu tháng 6, HTX có khoảng 50% diện tích rau ăn lá bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết. Hiện tại, HTX đã hoàn thành việc gieo trồng các loại rau màu để thay thế diện tích rau bị thiệt hại, trong đó chú trọng một số nhóm rau ăn lá có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn như: Rau cải, mồng tơi, rau muống… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua, rau sinh trưởng và phát triển chậm. HTX đã hướng dẫn các thành viên thường xuyên tưới nước, bảo đảm độ ẩm cho rau màu, phòng trừ kịp thời các loại sâu, bệnh hại. Cùng với đó, khuyến khích thành viên sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính, trồng rau thủy canh để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết…
Theo dự báo, tình hình thời tiết năm nay còn nhiều diễn biến bất thường, các hộ nông dân sản xuất rau màu cần chủ động các phương án để ứng phó với thời tiết cực đoan, bảo đảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Người tiêu dùng cũng nên chuyển sang lựa chọn các loại củ, quả để thay thế rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, giảm áp lực nguồn cung rau xanh trên thị trường để bảo đảm chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.