RCEP có thể sẽ được ký kết vào đầu năm 2020

Theo Thái Lan, các quốc gia Đông Nam Á đã cam kết ký một hiệp ước thương mại châu Á Thái Bình Dương quy mô lớn vào năm 2020, qua đó hình thành cộng đồng thương mại chiếm tới một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Hình minh họa

Hình minh họa

Nhiều người đã hy vọng rằng ít nhất một số “kết quả quan trọng” sẽ được thông qua tại Bangkok, Thái Lan sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm giữa 16 thành viên tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nhà lãnh đạo ASEAN đang ở Thái Lan tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 cũng đồng thời tham gia các cuộc họp với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Thái Lan, hiện đang giữ chức chủ tịch ASEAN, cho biết hôm Chủ nhật trong một tuyên bố rằng Hiệp hội “hoan nghênh kết quả tốt đẹp của các cuộc đàm phán RCEP và cam kết ký Hiệp định RCEP vào năm 2020”.

“Điều này sẽ đóng góp đáng kể vào một hệ thống thương mại mở, bao trùm, dựa trên các quy tắc quốc tế và mở rộng chuỗi giá trị”, tuyên bố nói trên cho biết.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói với CNBC rằng ông hy vọng thỏa thuận sẽ được ký kết “sớm nhất có thể”.

Ông cũng cho rằng việc trì hoãn đi đến ký kết chỉ do “một số vấn đề nhỏ” mà ông tin các quốc gia thành viên sẽ có thể vượt qua vì “những lợi ích đạt được sẽ rất đáng kinh ngạc”.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha kêu gọi các quốc gia thành viên nỗ lực để kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.

Reuters đưa tin phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat nói với các phóng viên vào Chủ nhật rằng các bộ trưởng thương mại vẫn đang thảo luận về các vấn đề chính và các nội dung này sẽ được công bố khi đàm phán đạt kết quả.

Bà Narumon Pinyosinwat nói rằng việc ký kết RCEP dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng tháng 2/2020 và Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Jurin Laksanawisit, nói thêm rằng Ấn Độ đã không rút khỏi Hiệp định này, theo Reuters.

Việc Ấn Độ không muốn mở cửa thị trường của mình là một trong những nhân tố chính gắn với các cuộc đàm phán, bắt đầu từ năm 2013.

Chờ đợi quyết định của Ấn Độ

RCEP liên quan đến tất cả mười quốc gia ASEAN và sáu đối tác thương mại lớn của họ, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

Nếu cả 16 quốc gia cùng nhau thành lập một khối thương mại tự do, nó sẽ chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và cung cấp khả năng tiếp cận thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ cũng như cơ hội đầu tư cho các công ty.

Ấn Độ lo ngại thỏa thuận với đòi hỏi loại bỏ dần thuế quan sẽ mở cửa thị trường trong nước cho một loạt hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, nông sản từ Úc và New Zealand, gây hại cho các nhà sản xuất địa phương.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ hôm Chủ nhật, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không đề cập đến các cuộc đàm phán RCEP đang diễn ra. Thay vào đó, ông nói về quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ và quyết định xem xét lại thỏa thuận thương mại quốc gia của ông với khối.

“Điều này sẽ không chỉ làm cho mối quan hệ kinh tế của chúng ta mạnh mẽ hơn, mà thương mại của chúng ta cũng sẽ được cân bằng”, Modi nói.

Trung Quốc quan tâm đến RCEP

Về phần mình, Trung Quốc coi RCEP là một phần quan trọng gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua hội nhập kinh tế hơn nữa với Đông Á.

Thủ tướng Malaysia Mahathir nói với CNBC rằng Trung Quốc là một thị trường nhiều tiềm năng và vì vậy sẽ hỗ trợ phát triển thương mại cho các nước liên quan.

Bắc Kinh hiện đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi cả hai bên đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la của nhau, và tác động của cuộc chiến thương mại đã làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng bất ổn cho các công ty.

Một số người coi RCEP là phiên bản ít hạn chế hơn của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi vào tháng 1/2017.

Sau quyết định rút lui nêu trên của Tổng thống Donald Trump, các nước còn lại đã soạn thảo một thỏa thuận mới gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bao gồm hầu hết các điều khoản của TPP.

Mỹ cũng đã phái một phái đoàn cấp thấp hơn tới Bangkok để tham dự Hội nghị thượng đỉnh, và Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross là quan chức cao cấp nhất từ chính quyền Trump tham dự.

M.Hồng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/rcep-co-the-se-duoc-ky-ket-vao-dau-nam-2020-94258.html