Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non

PTĐT - Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho trẻ mầm non giúp trẻ sớm hoàn thiện nhân cách và khả năng tự lập trong cuộc sống khi trưởng thành.

Tham gia trò chơi tập thể giúp trẻ hòa đồng, mạnh dạn, tự tin và phát triển tư duy, nhân cách.

Tham gia trò chơi tập thể giúp trẻ hòa đồng, mạnh dạn, tự tin và phát triển tư duy, nhân cách.

PTĐT - Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Vì thế, giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho trẻ mầm non giúp trẻ sớm hoàn thiện nhân cách và khả năng tự lập trong cuộc sống khi trưởng thành. Trong những năm gần đây, để trẻ phát triển toàn diện hơn ngay từ những năm đầu đời, các trường mầm non đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn hoạt động, phương pháp giáo dục phù hợp nhằm hình thành cho trẻ các kỹ năng cơ bản cần thiết.

Là một trong những trường tư thục với mục tiêu đào tạo những thế hệ học trò vui khỏe, tự tin, trí tuệ và giàu tình yêu thương, ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường Mầm non Đất Việt, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì luôn hướng đến các hoạt động trải nghiệm thực tế. Qua đó hình thành các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Cô Hán Thị Tuyết-hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi tập trung giáo dục trẻ từ những điều nhỏ nhất với các lễ nghi, kỹ năng tự phục vụ bản thân và kỹ năng xã hội. Các hoạt động kỹ năng sống được tổ chức như một hoạt động học và lồng ghép trong các giờ sinh hoạt khác. Mỗi tháng nhà trường đều lựa chọn chủ đề khác nhau để trẻ có thể tiếp cận một cách dễ dàng và hứng thú”.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng như dạy kỹ năng sống, nhà trường cũng thường xuyên có thông tin trao đổi với phụ huynh về những việc con đã học và thực hành tốt, những nội dung cần sự phối hợp để rèn dạy con thêm trong gia đình. Chị Linh Chi, phụ huynh có con hiện đang theo học tại Trường Mầm non Đất Việt cho biết: “Trước kia ở nhà được bao bọc nên cháu khá nhút nhát. Nhưng từ khi đi học, được tiếp xúc với các bạn, qua môi trường giáo dục về kỹ năng sống, tham gia các hoạt động ngoại khóa cháu tự tin hơn, bạo dạn hơn. Thấy con tự tin, vui tươi khi được tham gia các hoạt động như thế tôi cũng rất vui”.Qua tìm hiểu tại các trường mầm non, chúng tôi được biết, hiện nay các trường đang tập trung giáo dục các kỹ năng cần thiết cho trẻ như: Kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng tự lập, kỹ năng làm việc nhóm... Hầu hết giáo viên mầm non khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục KNS cho trẻ đều khẳng định, đây là một trong những hoạt động giáo dục cần thiết, bởi qua đó trẻ sẽ dần hình thành được những thói quen tích cực, có cơ hội phát triển nhân cách đầy đủ và đúng hướng, ví dụ như: Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; biết nói lời xin lỗi khi mắc lỗi, biết cảm ơn khi nhận quà... Từ những hành động nhỏ này, trẻ hình thành những thói quen tốt, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Lớn lên một chút, trẻ nhận thức được tình huống nguy hiểm cho bản thân, bạn bè, biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm, biết chia sẻ với người lớn khi gặp khó khăn, hoạn nạn.Chị Thanh Hà, phường Gia Cẩm phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non Hòa Phong cho biết: “Hiện nay, ngoài hệ thống các trường tư thục thì các trường mầm non công lập cũng quan tâm đến giáo dục KNS cho trẻ với các hoạt động: Tổ chức dã ngoại; các cuộc thi; xây dựng góc học tập với các hình ảnh, dụng cụ trực quan sinh động giúp trẻ nhận biết và thể hiện cảm xúc về sự vật, hiện tượng chung quanh”. Ngoài ra, các hoạt động tập thể còn giúp trẻ sống hòa đồng, gắn bó và giúp cho sự phát triển tư duy, nhân cách. Để các hoạt động giáo dục KNS đạt hiệu quả, các trường mầm non cũng chú trọng phương pháp làm mẫu nêu gương để các em làm theo bởi trẻ từ 2 tuổi trở lên đều học cách nhận biết, bộc lộ tình cảm và kỹ năng xã hội qua quan sát, bắt chước người lớn xung quanh. Giáo dục KNS cho trẻ là một trong những nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, độ tinh nhạy và tâm lý. Do đó, để giáo dục KNS cho trẻ mầm non đạt hiệu quả, các trường mầm non cần phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh trong việc tổ chức các hoạt động của trường và sự phát triển tâm sinh lý, nhận thức của trẻ để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ sớm có ý thức làm chủ bản thân, tự tin hơn trong cuộc sống.

THU HÀ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201909/ren-luyen-ky-nang-song-cho-tre-mam-non-166590