Rèn luyện ý thức lao động cho học sinh
Một chuyện gây xúc động cho nhiều thế hệ học sinh là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trở lại thăm trường cũ vào dịp giữa tháng 11-2020 vừa qua, đó là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, TP Hà Nội), nơi ông từng theo học 6 năm liên tục (1957-1963) và có nhiều kỷ niệm vừa học, vừa đi lao động kiếm sống.
Thời ấy, cậu học sinh Nguyễn Phú Trọng dậy từ sáng sớm tinh mơ để đi đò vượt qua sông Đuống, đi bộ ngót chục cây số đến trường, rồi nhiều tối cũng phải đi bộ từng ấy cây số để đi dạy bổ túc văn hóa kiếm thêm từng đồng bạc lẻ phục vụ sinh hoạt, học tập, ở trọ và tự nấu ăn.
Những học sinh cấp hai, cấp ba (nay là bậc trung học) từng sống những năm của thập niên 1960-1980 chắc chắn đều đã trải qua những ngày tháng gian khổ của đất nước. Thời điểm đó, chuyện học sinh đi bộ dăm bảy cây số đến trường, sáng học ở lớp, chiều về nhà cùng bố mẹ, anh chị ra đồng làm ruộng, tối về chong đèn dầu học bài dưới mái nhà tranh vách đất là rất đỗi bình thường. Lao động chân tay đối với học sinh thời đó vừa như yêu cầu có tính bắt buộc, vừa như nhu cầu tự thân bởi ai cũng hiểu rằng, có làm thì mới có thêm đồng tiền bát gạo phụ giúp gia đình, đồng thời có thêm động lực để sau này phấn đấu thi đỗ đại học với mong muốn thoát ly công việc nông tang và có cơ hội thoát nghèo.
Không chỉ tự giác, chăm chỉ lao động giúp đỡ gia đình, thời đó, các trường phổ thông cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia lao động vào các dịp ngày nghỉ cuối tuần để cùng chung tay góp sức với nhân dân địa phương tăng gia sản xuất, trồng cây, đào ao thả cá, làm mương máng thủy lợi, thu hoạch mùa màng... Có thể khẳng định rằng, từ tình yêu và tinh thần tự giác lao động đã góp phần rèn luyện học sinh thêm hiểu về giá trị của đồng tiền bát gạo, trân quý công sức lao động một nắng hai sương của ông bà, bố mẹ và hơn thế, biết sẻ chia, đồng cam cộng khổ với cuộc sống cần lao của đồng bào.
Một thời gian khó của đất nước đã đi vào dĩ vãng. Hiện tại, đại đa số học sinh đã có cuộc sống no đủ, thậm chí một bộ phận thuộc diện khá giả, sung túc, thích gì được nấy vì được bố mẹ hết mực nuông chiều. Nhưng điều đáng suy ngẫm là thời nay có rất nhiều học sinh thành thạo vài ba ngoại ngữ, rành rọt kiến thức công nghệ thông tin, làu làu khi nói chuyện “trên trời dưới biển”; nhưng lại chả mấy khi biết cầm cái chổi lau nhà, rửa một cái bát đôi đũa vừa ăn hay tự giặt bộ quần áo của mình.
Với nhiều em, việc nhà có bố mẹ hay người giúp việc lo toan mọi thứ nên chả biết làm gì liên quan đến chân tay mà chỉ biết cắm cúi tối ngày vào mấy cuốn sách, quyển vở và cái máy tính. Trong khi đó, nhiều trường (nhất là ở đô thị) đã thuê mướn lao công quét dọn sân trường, nhà vệ sinh và cả phòng học. Như vậy, từ nhà đến trường, học sinh hầu như không phải làm gì ngoài việc học, học và học! Bởi vậy, có chuyên gia giáo dục từng than thở, cái sự bao bọc thái quá từ gia đình đến nhà trường khiến một bộ phận học trò thời nay có thể giỏi về kiến thức sách vở, song lại thiếu hụt một kỹ năng rất quan trọng là không biết làm những việc thiết thân hằng ngày để phục vụ cuộc sống, giúp đỡ gia đình, chứ đừng nói đến chuyện lao động giúp đỡ người khác.
Một trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi là cần “Học tập tốt, lao động tốt”. Một trong những nguyên lý cơ bản trong hoạt động giáo dục là học đi đôi với hành, học đi đôi với làm. Tuy nhiên, những điều căn cốt trên vẫn chưa được một bộ phận phụ huynh, giáo viên và nhà trường quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là có phần chểnh mảng, thờ ơ.
Do vậy, giáo dục, bồi đắp tình yêu lao động và tổ chức cho học sinh trực tiếp tham gia lao động là một yêu cầu không thể thiếu nhằm hiện thực hóa mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện về mọi mặt. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm giúp học sinh thấu hiểu, trân quý những giá trị tích cực từ cuộc sống để sau này các em lớn lên trở thành những công dân hữu ích của xã hội.