Rèn thói quen từ giờ học chính khóa
Trong việc tạo thói quen đọc sách cho học sinh trên cả nước, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường nói riêng và xã hội nói chung, việc xây dựng tiết đọc sách bắt buộc đóng vai trò quan trọng. Hànôịmới Cuối tuần ghi lại một số ý kiến về đề xuất đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Sách ơi mở ra:
Bước tiến quan trọng, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục
Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành năm 2018 có mục phát triển năng lực tự học - một trong những năng lực chung cho tất cả các môn học. Ví dụ ở môn tiếng Việt, môn ngữ văn yêu cầu bắt buộc học sinh phải đọc mở rộng ngoài sách giáo khoa. Tôi cho rằng đây là điểm rất tiến bộ trong chương trình mới. Lâu nay có tình trạng học sinh, sinh viên Việt Nam học giỏi, điểm thi cao, nhưng kiến thức văn hóa - xã hội ít ỏi bởi việc đọc không thành yêu cầu bắt buộc trong nhà trường. Đưa việc đọc trở thành hoạt động bắt buộc trong trường học là bước tiến rất quan trọng, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
Tuy nhiên, để thực hiện, có một số điểm nên thận trọng và cân nhắc kỹ. Một tiết học trong nhà trường rất quý giá với các em học sinh, do đó khi đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa sẽ cần một hệ thống nhân lực, phương tiện, công cụ như sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn, thiết bị hỗ trợ giảng dạy, và đặc biệt là cần những giáo viên có chuyên môn, tâm huyết và nhận thức đúng đắn về giá trị của việc đọc. Tôi đã có dịp đến một số trường, một số địa phương để tập huấn về văn hóa đọc, nhận thấy có một điều nan giải hiện nay là nhiều giáo viên không đọc, hoặc đọc rất ít. Khi cuốn sách gần nhất mà người giáo viên đọc đã được xuất bản cách đó nhiều năm, điều đó đồng nghĩa với việc họ khó dẫn dắt học sinh đọc hiệu quả, khó chỉ ra được cho học sinh cái hay cái dở và giá trị tác phẩm, không cập nhật được các đầu sách mới, không thể chỉ ra cho học sinh những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, càng không thể thông qua tiết học mà rèn năng lực đọc, kỹ năng đọc cho học sinh.
Đọc sách là một môn học khó, đòi hỏi giáo viên phụ trách môn phải thực sự ham đọc mới có thể xây dựng tốt chương trình. Nếu ép một người dạy môn học mà họ không có sẵn kiến thức cũng như niềm say mê thì việc giảng dạy có nhiều rủi ro. Nhưng, khó khăn không có nghĩa là không thể thực hiện. Để đưa tiết đọc sách vào nhà trường một cách thuận lợi, hiệu quả, cần triển khai thực hiện thí điểm từng bước trước khi thực hiện đại trà.
Cô Phùng Ngọc Châm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm):
Cố gắng để sách dần trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của học sinh
Qua quan sát, tôi thấy học sinh ngày càng ít đọc sách, và hệ lụy kèm theo là các em kém hẳn hứng thú đối với môn Văn. Không những thế, việc giao tiếp đối với các em cũng trở nên khó khăn. Các em khó diễn đạt được ý mà mình muốn nói, cũng như thiếu sự tập trung vào lời người khác nói với mình. Sự bao vây của các thiết bị điện tử, công nghệ đang bào mòn tâm hồn trẻ em. Điều đó khác hẳn với nhiều thế hệ học sinh trước, đặc biệt là quá khác so với lứa 6x, 7x khi mà sách là món ăn tinh thần không thể thiếu với họ. Sự xa cách của học sinh thời nay đối với sách cùng với những tác hại kèm theo khiến tôi muốn tìm cách kéo học sinh lại gần với sách.
Từ câu chuyện của chính mình trong mỗi giờ học, từ cách giới thiệu sách kèm theo bài học để học sinh tìm hiểu tiếp sau khi tiết học kết thúc, nhiều học sinh của tôi đã tìm đến sách. Những cuộc trao đổi, trò chuyện về sách giữa cô và trò lúc đầu chỉ có 5 - 7 học sinh tham gia, sau mở rộng dần, gợi ý cho tôi rằng cần có một thư viện nhỏ ngay trong lớp học. Cuộc phát động xây dựng thư viện không ngờ chỉ 2 ngày đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Học sinh của tôi không chỉ hào hứng mang sách đến đóng góp cho thư viện mà còn say sưa đọc sách trong mỗi giờ nghỉ, thậm chí đọc cả trong giờ chuẩn bị bữa ăn bán trú và trước giờ ngủ. Thú thật, nhìn hình ảnh học sinh của mình say mê đọc sách, tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Tình thầy trò được thắt chặt thêm, gắn kết hơn nhờ những cuốn sách.
Đặc biệt, khi lớp của tôi có thư viện và học sinh ham thích đọc sách, tôi thấy việc học môn Văn của các em tiến bộ hẳn. Câu chữ mượt mà hơn, từ ngữ được dùng có chọn lọc hơn. Quan hệ giao tiếp giữa các em với nhau cũng được cải thiện, không còn sự cộc lốc trong lời ăn tiếng nói, và ý thức trách nhiệm với tập thể được nâng lên. Tôi rất vui mừng với những thay đổi ấy, và càng cố gắng hơn nữa để sách dần trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của học sinh. Cùng với tôi, một số đồng nghiệp cũng xây dựng tủ sách trong lớp học, cũng phát động phong trào đọc sách, viết về sách trong học sinh. Tôi cho rằng, nếu như ngành Giáo dục chính thức đưa tiết đọc sách vào chương trình học chính khóa thì hiệu quả thu được chắc chắc là rất lớn. Chúng ta sẽ có một thế hệ yêu sách, một thế hệ văn minh. Văn hóa đọc khi được lan tỏa rộng rãi sẽ đem lại những chuyển biến tích cực, và nhà trường - hình ảnh đại diện của giáo dục - không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế, tôi mong sao việc đưa tiết đọc sách vào nhà trường sẽ sớm được triển khai, để con em chúng ta nhận được những điều tốt đẹp mà chúng xứng đáng được hưởng.
Cô Mai Thị Anh, cán bộ thư viện Trường THCS Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa):
Tiết đọc sách góp phần phát huy năng lực của học sinh
Hiện nay, lịch học dày đặc nên các con không có nhiều thời gian lên thư viện đọc sách. Thời gian ra chơi giữa giờ không nhiều, trong đó gồm 5 phút thể dục giữa giờ, thời gian quá ít ỏi để học sinh di chuyển lên phòng thư viện, tìm sách và đọc. Do chưa có tiết thư viện nên lâu nay trường chúng tôi thường tổ chức giới thiệu sách mới, sách theo chủ đề tháng, triển khai câu hỏi theo chủ đề hoặc câu hỏi về kiến thức học tập trên sân trường. Nhờ những hoạt động đó, tôi nhận thấy số lượng học sinh thường xuyên tìm mượn những cuốn sách đã được giới thiệu tăng vượt bậc.
Do đó, tôi cho rằng, tiết thư viện, tiết đọc sách trong nhà trường giúp học sinh có trọn vẹn 45 phút mỗi tuần cho việc đọc sách, tra cứu thông tin, góp phần nâng cao khả năng và phát huy năng lực của học sinh. Thông qua các hoạt động ở tiết học này, cô thủ thư sẽ tích hợp nội dung rèn kỹ năng sống cho học sinh. Trong tiết học ở thư viện, giáo viên - thủ thư có thể vừa giới thiệu cho học sinh những cuốn sách hay, ý nghĩa, phù hợp lứa tuổi, vừa cho các em xem những đoạn phim tư liệu mang tính giáo dục cao, đồng thời tham vấn tâm lý đối với học sinh.
Việc đưa tiết đọc sách vào chương trình chính khóa sẽ gặp nhiều khó khăn, như khó khăn trong việc sắp xếp thời gian dành cho tiết học này từ phía nhà trường, việc quản lý lớp học, soạn giáo án, tìm kiếm nguồn sách mới thường xuyên... Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi cán bộ thư viện sẽ tìm được cách lên lớp hiệu quả để tạo nên những tiết đọc sách thú vị cho học sinh.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/982843/ren-thoi-quen-tu-gio-hoc-chinh-khoa