Rệp hút máu 'lộng hành' khắp kinh đô ánh sáng Paris
Paris đang phải đối mặt với sự hoành hành của loài rệp hút máu. Chúng được phát hiện ở khắp các rạp chiếu phim, tàu điện và cả sân bay Charles-de-Gaulle.
Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy những con côn trùng nhỏ này bò ngang nhiên trên ghế trên tàu điện ngầm ở Paris.
Tháng trước, một du khách cũng chia sẻ hình ảnh về những vết đỏ lớn sau khi bị rệp cắn trong rạp chiếu phim ở Paris.
Rạp chiếu phim UGC sau đó đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc và đưa ra các quy trình khẩn cấp để xử lý rệp bằng hơi nước ở nhiệt độ cao và chó nghiệp vụ.
Chính quyền Pháp đang chịu áp lực phải giải quyết vấn đề này trước Thế vận hội Paris 2024, dự kiến diễn ra vào mùa hè tới. Thế vận hội dự kiến sẽ thu hút 15 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới.
“Đối mặt với nạn rệp hoành hành, chúng ta phải hành động”, Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Grégoire viết trên mạng xã hội vào đầu tuần này. "Tôi đề nghị thủ tướng Pháp tổ chức một hội nghị về cuộc chiến chống lại các loài xâm lấn. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng mà tất cả các bên liên quan phải được đưa ra bàn thảo."
Bộ trưởng Giao thông Pháp Clement Beaune cho biết hôm thứ 29/9 rằng ông sẽ tập hợp các nhà khai thác vận tải vào tuần tới để thảo luận về các hành động nhằm "trấn an và bảo vệ" hành khách.
Rệp là loài côn trùng nhỏ không cánh, dài khoảng 5 đến 7 mm, hút máu người và động vật. Thường được tìm thấy trên giường và đồ đạc nội thất, chúng có thể dễ dàng di chuyển trên quần áo và các loại hành lý. Mặc dù không quá nguy hiểm hay gây bệnh lây lan nhưng vết cắn của rệp sẽ để lại các vết ngứa đỏ vô cùng khó chịu.
Theo Anses, Cơ quan An toàn và Thực phẩm, Môi trường và Sức khỏe Nghề nghiệp của Pháp, nhiều hộ gia đình ở Pháp đã bị nhiễm rệp từ năm 2017 đến năm 2022. Anses cho biết sự gia tăng gần đây về tỷ lệ nhiễm rệp là do sự gia tăng việc đi lại và khả năng kháng thuốc trừ sâu của rệp ngày càng tăng.
Anses tính toán rằng thiệt hại do rệp gây ra đối với sức khỏe quốc gia là 83 triệu euro, tương đương 87,8 triệu USD, vào năm 2019. Con số đó bao gồm 79 triệu euro liên quan đến sự suy giảm chất lượng cuộc sống, rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, một triệu euro liên quan đến thời gian nghỉ làm và ba triệu euro liên quan đến chi phí chăm sóc thể chất.
Tổng hợp