Repsol duy trì 'đối thoại mở' với Mỹ để tiếp tục hoạt động ở Venezuela
Tập đoàn dầu khí Repsol đang duy trì 'đối thoại mở' với Chính phủ Mỹ nhằm tìm cơ chế duy trì hoạt động tại Venezuela sau khi Washington thu hồi giấy phép xuất khẩu dầu của Repsol từ quốc gia này.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 1/4, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol, ông Josu Jon Imaz cho biết công ty này đang duy trì “đối thoại mở” với Chính phủ Mỹ nhằm tìm cơ chế duy trì hoạt động tại Venezuela sau khi Washington thu hồi giấy phép xuất khẩu dầu của Repsol từ quốc gia Nam Mỹ này.
Một người phát ngôn của Repsol xác nhận tương tự như các doanh nghiệp nước ngoài khác tại Venezuela, tập đoàn này đã nhận được thông báo về việc giấy phép xuất khẩu dầu từ Venezuela sẽ bị hủy bỏ. Trước tình hình này, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares cam kết sẽ “bảo vệ lợi ích của Repsol”.
Repsol từng được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấp phép nhận dầu từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) để trừ nợ và đã tăng sản lượng nhập khẩu trong năm 2023. Tuy nhiên mới đây, Mỹ đã yêu cầu Repsol phải chấm dứt hoạt động tại Venezuela trước ngày 27/5. Các tập đoàn Eni (Italy) và Maurel & Prom (Pháp) cũng đã nhận thông báo của Washington về việc thu hồi giấy phép xuất khẩu dầu và các sản phẩm phụ từ dầu mỏ của Venezuela
Trong khi đó, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Delcy Rodríguez khẳng định hoạt động khai thác dầu khí vẫn diễn ra bình thường.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro nhiều lần lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, coi đây là “chiến tranh kinh tế” nhằm “bóp nghẹt” nước này. Tuần trước, ông Trump ra sắc lệnh áp thuế 25% với bất kỳ quốc gia nào mua dầu khí từ Venezuela.
Trước đây, Mỹ từng cấp ngoại lệ cho một số doanh nghiệp như Reliance Industries của Ấn Độ hay Global Oil Terminals của Mỹ nhập khẩu dầu của Venezuela để vận hành các nhà máy lọc dầu ở Tây Ban Nha và Ấn Độ.