Rét chồng rét ở phía Bắc nước ta
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đợt không khí lạnh số 10 chưa qua thì từ khoảng đêm 14-1, lại có thêm một đợt không khí lạnh khác tràn xuống nước ta.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, miền Bắc hiện vẫn đang hứng chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng. Hàng loạt địa điểm đã xuất hiện sương muối, băng giá diện rộng.
Đêm 14-1 có thêm đợt không khí lạnh mới tràn về
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, từ đêm 14-1, một bộ phận không khí lạnh mới sẽ tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, ảnh hưởng đến Bắc bộ và các khu vực từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ.
Trong đó, gió Đông Bắc lại mạnh lên cấp 2-3, vùng ven biển có thể đạt cấp 3-4. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến 9-12 độ C, riêng khu vực vùng núi có thể xuống dưới 5 độ C, đặc biệt là tại các vùng núi cao như Mẫu Sơn, Sa Pa sẽ có băng giá và sương muối.
Dưới tác động của không khí lạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục rét đậm, nhiệt độ dao động 9-12 độ C.
Theo các chuyên gia khí tượng, những ngày qua, tình trạng cháy rừng đã xảy ra ở một số nơi, tiêu biểu là ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nguyên nhân do hanh khô kéo dài, rét đậm, rét hại và hơn 2 tháng trời không mưa ở vùng núi phía Bắc.
Dự báo, tình trạng này có thể kéo dài đến Tết Nguyên đán. Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện nay, rét đậm rét hại kéo dài đã khiến nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe (với các triệu chứng ban đầu như cảm cúm, khô da, viêm họng…)
Nam bộ xuất hiện triều cường
Trong khi đó, tại khu vực Nam bộ, tình trạng triều cường đang trở lại. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, mực nước triều tại Vũng Tàu vào đêm 12-1 đã lên đến 4,16m.
Mực nước sẽ tiếp tục cao trong ngày 13 và 14-1, có thể đạt 4,2m, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực trũng thấp ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau. Các khu vực này có nguy cơ ngập úng trong khoảng thời gian chiều tối và đêm. Đặc biệt, các vùng ngoài đê bao và ven sông cần cảnh giác nguy cơ ngập úng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Chính quyền địa phương và người dân cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị các biện pháp ứng phó kịp thời. Khu vực miền núi, cần có biện pháp bảo vệ cây trồng và gia súc. Các tàu thuyền hoạt động ngoài biển cần được thông báo kịp thời về tình trạng gió lớn và sóng cao để đảm bảo an toàn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ret-chong-ret-o-phia-bac-nuoc-ta-post777643.html