Rét đậm kéo dài, nông dân Hà Tĩnh tăng cường 'giữ sức' cho lúa xuân
Thời tiết rét đậm, rét hại, nông dân các địa phương ở Hà Tĩnh đang chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với lúa xuân đã gieo cấy.
Những ngày qua, nhiệt độ giảm sâu xuống còn 9 - 12 độ C, ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh. Ông Trương Quang Tư - thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (Thạch Hà) cho hay: “Gia đình tôi vừa xuống giống 1 tuần các giống Bắc Thịnh, Thiên ưu, Nếp 98, Hana số 7. Trời trở rét kèm theo mưa đã khiến cho 7 sào lúa của gia đình bị ngập trong nước. Chúng tôi phải thường xuyên bám đồng để kịp thời tháo nước, chỉ duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2 - 3 cm theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để lúa không bị úng”.
Hiện nay, nông dân 21 xã, thị trấn còn lại của huyện Thạch Hà cũng đang tất bật ra đồng để triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan, hạn chế thấp nhất thiệt hại số diện tích lúa xuân đã gieo thẳng. Vụ xuân này, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 7.970 ha lúa các loại, đến nay, đã hoàn thành gieo cấy 5.148 ha, đạt tỷ lệ 64,6%.
Ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết, trước diễn biến cực đoan của thời tiết, UBND huyện đã ban hành văn bản yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra và bổ cứu kịp thời công tác phòng chống rét cho cây trồng. Đồng thời, chủ động các phương án, điều kiện cần thiết để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, có kế hoạch chuẩn bị giống ngắn ngày và dự phòng trong điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ, lúa gieo thẳng.
"Yêu cầu với các địa phương là linh hoạt trong chỉ đạo thời điểm xuống giống trên cơ sở khung lịch thời vụ và diễn biến của thời tiết, tuyệt đối không xuống giống khi nhiệt độ dưới 13 độ C. Đối với diện tích lúa đã gieo cấy, cần điều tiết mức nước thích hợp ở các ruộng để giữ ấm chân lúa, tiến hành chăm sóc khi thời tiết thuận lợi, đảm bảo mật độ phù hợp; không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét dưới 15 độ C, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nhấn mạnh.
Tại huyện Lộc Hà, đến nay, địa phương đã hoàn thành gieo cấy 1.050 ha/3.309 ha (trong đó gieo thẳng 800 ha và cấy 250 ha). Thời tiết rét đậm, rét hại những ngày qua, nông dân huyện Lộc Hà đã tạm ngừng hoạt động sản xuất lúa xuân.
Bà Trần Thị Thảo, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Bình An (Lộc Hà) chia sẻ: “Vụ này, nhà tôi sản xuất hơn 1 mẫu các trà lúa muộn như: VNR 20, Hà Phát 3, VT404... Mạ đã bắc 20 ngày, hiện đã đến kỳ cấy. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại nên gia đình phải tạm ngừng sản xuất. Hằng ngày, chúng tôi ra thăm đồng, bao phủ thêm ni lông để không gây hại cho sự phát triển, sinh trưởng của mạ”.
Ông Đậu Ngọc Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Vụ xuân 2024, toàn xã đặt mục tiêu sản xuất 446 ha, trong đó 70% gieo thẳng đã hoàn thành, còn 30% diện tích cấy chưa thể xuống giống do rét đậm, rét hại. Địa phương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, động viên nông dân triển khai các biện pháp theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm bảo vệ diện tích lúa đã xuống giống và tiến hành cấy khi thời tiết thuận lợi”.
Được biết, đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy 33.459/59.107ha lúa, đạt 56,6% kế hoạch, trong đó diện tích gieo thẳng 31.778ha, diện tích cấy 1.681ha; diện tích mạ 304,75ha.
Theo ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh), trong diễn biến thời tiết còn rét đậm, rét hại, đối với diện tích lúa đã gieo cấy, bà con cần duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 - 3 cm; tiến hành dặm tỉa, đảm bảo mật độ phù hợp; không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét dưới 15 độ C; nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.
Với số diện tích chưa bắc mạ, gieo thẳng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, né tránh thời điểm xuống giống gặp rét. Các địa phương cũng cần chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn giống lúa dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết, đảm bảo kế hoạch. Chủ động phát hiện và phòng trừ bệnh đạo ôn ngay từ đầu vụ để hạn chế nguồn bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời chuột, ruồi đục nõn, rệp xanh, tuyến trùng rễ...