Rét đậm, người cao tuổi dễ đổ bệnh, cảnh giác biến chứng nặng
Thời tiết khắc nghiệt, nhất là hiện nay miền Bắc đang trong những ngày rét đậm, khi nhiệt độ lạnh sâu là nguy cơ cao đối với người có bệnh nền, đặc biệt là người mắc bệnh tăng huyết áp, rất dễ 'đổ bệnh', thậm chí nguy hiểm sức khỏe.
Nhập viện cấp cứu, chủ yếu mắc bệnh hô hấp
Tại khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp đã ghi nhận nhiều ca cấp cứu đến viện trong tình trạng nặng, phần lớn phải thở oxy, thở máy, trong đó có một vài ca tử vong.
TS Trần Quang Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, trong 3 ngày đầu của đợt rét đậm, bệnh nhân vào nhập viện tăng nhẹ, khoảng 20-30 ca/ngày. Vào nhập viện cấp cứu thường gặp là nhóm bệnh về đường hô hấp như: Viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp… Nguy hiểm của nhóm bệnh đường hô hấp trong mùa lạnh là khi nhiệt độ hạ thấp, khả năng bảo vệ đường thở kém, sức đề kháng giảm, diễn biến viêm phổi nhanh, có thể sáng chỉ ho, đến trưa đã tức ngực, khó thở, khi vào viện đã suy hô hấp.
Theo TS Trần Quang Thắng, ở nhóm này viêm phổi diễn biến nhanh và rất nặng. Tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng rất thấp. Năm 2016 chỉ 1,5% bệnh nhân vào viện trong khung giờ vàng được điều trị bằng thuốc. Tỷ lệ này tăng lên 2,5% trong năm 2017 và năm 2018 là 3,5%.
Theo TS Trần Quang Thắng, thời tiết lạnh làm cho mạch máu co lại, làm tăng kháng trở não gây huyết áp tăng, nguy cơ bị đột quỵ cao. Vì vậy, người cao tuổi tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (tránh đang từ phòng ấm ra ngoài lạnh đột ngột) và phải kiểm soát huyết áp thường xuyên, nếu thấy bất thường phải kiểm tra ngay.
Đột quỵ (tắc mạch máu não) phải đến viện vào “thời gian vàng” để được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát, không dùng biện pháp dân gian làm mất đi thời gian vàng chữa bệnh. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng.
Để phòng tránh và điều trị các bệnh tim mạch, bệnh về đường hô hấp trong mùa lạnh, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi, phải giữ ấm khu vực cổ và ngực, tránh thay đổi môi trường một cách đột ngột. Khi tắm cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh; ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng và kiểm soát tốt bệnh nền.
“Người cao tuổi có nhiều bệnh nền, nếu bị viêm phổi có thể gây ra biến chứng làm phức tạp thêm tình trạng bệnh. Do đó, khi có các dấu hiệu viêm phổi, tim mạch, tai biến mạch máu não phải đưa người bệnh vào cơ sở y tế gần nhất, không nên chần chừ. Đối với những bệnh nhân có bệnh động mạch vành, các bác sĩ khuyến cáo nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời” - TS Trần Quang Thắng lưu ý.
Tránh các biến chứng, nguy cơ
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cảnh báo, thời tiết khắc nghiệt, nhất là khi nhiệt độ lạnh sâu như hiện nay là nguy cơ cao đối với người có bệnh nền, đặc biệt là người mắc bệnh tăng huyết áp.
Khi nhiệt độ lạnh sâu làm cơ thể phản ứng bằng cách co mạch gây nên tình trạng tăng huyết áp phản ứng. Đối với người có bệnh tăng huyết áp, mặc dù đã uống thuốc đều nhưng huyết áp vẫn cao hoặc dao động, việc đo huyết áp thường xuyên liên tục đặc biệt là dùng các máy đo tự động có thể có tác dụng ngược do căng thẳng tâm lý khi thấy chỉ số huyết áp mỗi lần đo đều cao.
Về cách xử lý khi huyết áp bị tăng cao, theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, bên cạnh việc uống thuốc đều, giữ ấm và hạn chế hoạt động ngoài trời nếu thời tiết quá lạnh, người có bệnh tăng huyết áp cần bình tĩnh khi đo huyết áp thấy chỉ số quá cao nếu không có triệu chứng gì bất thường như: Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, tê bì... thì nên nằm hoặc ngồi nhắm mắt thư giãn, hít sâu, thở ra chậm, thư giãn hoàn toàn. Người bệnh cần đo lại huyết áp sau 1- 2 giờ; không đo huyết áp liên tục, không vội vàng uống thuốc hạ áp quá nhiều.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu áp dụng các biện pháp mà sau một thời gian huyết áp vẫn chưa ổn định, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều chỉnh huyết áp bằng các biện pháp y tế chuyên sâu hơn, tránh các biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ có hai dạng, là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não. Bệnh xuất hiện ở người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến xuất hiện đột quỵ hơn.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại nước ta đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài, người dân luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột. Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Những người mắc bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.
Đặc biệt ở người cao tuổi, cần kiểm soát tăng huyết áp; giải quyết rối loạn mỡ máu; quản lý bệnh đái tháo đường; dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ… Việc tuân thủ các biện pháp trên rất quan trọng ở người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân bị rung nhĩ. Do rung nhĩ là rối loạn nhịp tim liên quan nhiều nhất đến đột quỵ tắc mạch máu não hay nhồi máu não ở những người dưới 75 tuổi. Tuy vậy, nếu tuân thủ dùng thuốc chống đông theo đơn của bác sĩ đã giúp phòng ngừa 60-70% nguy cơ đột quỵ.
Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng. Sơ cứu người đột quỵ bằng cách đặt nằm cao đầu, nằm nghiêng một bên nếu có nôn, rối loạn ý thức. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc và gọi ngay cấp cứu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ret-dam-nguoi-cao-tuoi-de-do-benh-canh-giac-bien-chung-nang.html