Rêu đá - 'thứ quà' bên dòng suối Xim
Rêu đá ngâm mình, bám rễ vào các gờ đá nơi thượng nguồn con suối Xim. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, chúng sinh sôi, nảy nở gắn liền với cuộc sống của người Thái, Dao ở xã Quang Chiểu (Mường Lát) từ bao đời nay.
Chừng mươi năm trở về trước, tôi đọc đâu đó câu chuyện về một làng ở tỉnh Phú Thọ có nhiều cụ sống đến ngưỡng 100 tuổi và bí quyết trường thọ của họ là thường xuyên ăn rêu - thứ rau nhiều dinh dưỡng, thuần tự nhiên. Khi đó, tôi đã rất tò mò. Với một người sinh ra và lớn lên ở miền biển, rêu đá là một thứ hoàn toàn xa lạ. Tôi tự hỏi, liệu đây có phải là một thứ “sơn hào hải vị” nào đó mà người ta khi ăn rêu đá lại có thể sống lâu như vậy?
Vào một ngày đông có nắng, tiết trời ấm áp, tôi đến huyện biên giới Mường Lát. Địa hình, khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, mùa đông có năm xuống đến vài độ khiến nhiều loại rau không thể sống nổi, mùa xuân chưa dứt thì những cơn gió Lào đã ào đến làm cho cỏ cây héo úa. Đường lên xã Quang Chiểu chạy song song với một con suối lớn- suối Xim, bên bờ suối có vài người già, trẻ con đang mò, vớt một thứ gì đó, bàn tay thoăn thoắt nhặt bỏ vào giỏ đeo bên hông. Ban đầu tôi không để ý lắm chỉ nghĩ họ đang bắt cá nhưng khi lòng vòng tìm nhà nhân vật ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, tôi thấy mế Lương Thị Hắng đang tỉ mẩn ngồi nhặt sạn rêu mới biết đang vào mùa rêu, người dân địa phương tranh thủ vớt “lộc trời”. Ký ức xưa ùa về hấp dẫn cuốn hút tôi đi tìm câu chuyện về thứ “thần dược” được tung hô một thời.
Ngồi bệt dưới lòng đường ngắm nghía, hít hà mùi bùn đất, mế nâng một chùm rêu lên hỏi “Dưới xuôi có thứ “quẹ” này không?”. Tôi lắc đầu, thắc mắc ““Quẹ” là cái gì nhỉ?". “Người Thái gọi thứ rêu này là “quẹ”!”, mế Hắng trả lời. Chuyện đông chuyện tây, mế lại hỏi: “Thế có biết chuyện về “quẹ” không?”. Tôi lại lắc đầu. Theo lời mế kể, ngày xửa, ngày xưa có một chàng trai đi nhặt củi trên rừng thì gặp cô gái có làn da trắng, tóc dài, má hồng đang đi hái măng. Sau đó, hai người yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình chia cắt, ngăn cản. Cô gái buồn tủi ngày đêm ngồi khóc. Nước mắt nàng tuôn chảy thành một dòng thác dội xuống lòng suối. Chàng trai si tình ra suối tự vẫn. Thân thể của chàng hóa thành những rặng đá. Còn mái tóc dài của cô gái biến thành những sợi rêu quấn quýt quanh vệt đá ấy...
Từ câu chuyện huyền thoại, người dân tộc Thái đã lấy món rêu đá sử dụng trong lễ cưới hỏi thể hiện tình yêu, thủy chung và hạnh phúc. Đặc biệt, khi tết đến, xuân về, bà con ăn rêu đá với một ước muốn năm mới an lành, sung túc. Mế Hắng chia sẻ: “Rêu mọc tự nhiên không ai gieo trồng hay chăm sóc nên người Thái coi đây là món quà của đất trời ban tặng. Trước kia, cơm gạo không đủ ăn, rêu là món ăn độn để cứu đói. Ngày ấy, ăn rêu trừ cơm mà sức ai cũng khỏe, cũng phăm phăm được cả ngày rừng”.
Rêu đá tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa nên ai cũng tranh thủ thu hoạch... Người bản sống gần sông suối sẽ biết mùa rêu đá trước tiên. Rêu thường mọc nhiều vào cuối đông, đầu xuân tại các con suối lớn hoặc dưới chân thác nơi có những tảng đá to. Rêu có màu xanh lục hay xanh non phụ thuộc vào mực nước nông hay sâu, có những tảng rêu dài rộng bằng cả gang tay. Tục xưa của người Thái, khi đi hái rêu họ sẽ chọn một ngày đẹp trời, cả bản nghỉ nương rẫy cùng rủ nhau đến các bãi rêu. Quan niệm rêu đá là “lộc trời”, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc nên mỗi lần đi vớt rêu, họ lại cười nói rôm rả, vui như trẩy hội. Cũng nhờ những buổi hái rêu mà không ít mối tình đẹp của trai gái các thôn, bản đã nảy sinh, tạo nên một không gian giao lưu văn hóa rất đặc biệt.
Tôi theo chân chị Lương Thị Nồng, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu lên khúc suối gần nhà đi vớt rêu đá. Khúc suối rộng chừng 5 - 10m, sâu 0,5 - 1m, nhiều điểm sâu gần 1,5m, dài hàng trăm mét, xung quanh cây cối rậm rạp. Dưới đáy có nhiều viên đá bạc, đá son đường kính 5 - 30cm phủ đầy rêu xanh tự nhiên. Không cần phải dầm mình xuống suối, chị Nồng khẽ lùa bàn tay ven những rặng đá nửa chìm nửa nổi hoặc quanh những hòn đá đầu ông sư, nơi có những làn rêu đá mướt xanh. Sợi rêu mỏng, chỉ dài 1 - 3cm, kết dính nhau, người dân thường nhặt được cả chùm. Mới chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ mà chiếc giỏ đã trĩu nặng thứ rêu đá rờn xanh. Đặt nắm rêu đá lên phiến đá lớn, chị Nồng lấy chiếc chày gỗ đập đập lên mớ rêu chừng như để cho nó mềm và sạch bùn đất. Rồi chị đem rửa thêm mấy lần nữa cho sạch cát, sau đó đem phơi nắng rồi mới lên nương.
Tan buổi làm nương trở về nhà, đặt chiếc gùi xuống, chị Nồng bắt tay vào chế biến món rêu đá. Rêu phơi từ sáng đã ráo nước, cho vào cối giã hoặc băm mịn. Tiếp đến là chuẩn bị gia vị và lá dong hoặc lá chuối. Gia vị gồm mắm, muối, ớt, tỏi, sả, bột ngọt, mỡ lợn hoặc dầu ăn... và nhất thiết không thể thiếu hạt mắc khẻn. Tất cả trộn đều với rêu đã giã nhỏ, sau đó gói bằng lá dong, hoặc lá chuối đem nướng hoặc bỏ vào nồi hấp trong một tiếng. Chị Nồng chia sẻ: “Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là rêu đã chín”.
Lần giở lớp lá đã bén nhiệt, một mùi thơm nồng nàn dậy lên trong chiều buông. Những làn rêu còn giữ nguyên sắc xanh nhuốm chút hồng của ớt, của hương mắc khẻn đậm đà. Món rêu đá ăn cùng với nếp cay nọi là một thứ ẩm thực tuổi ấu thơ với nhiều người vùng cao. Đó là ký ức về bữa cơm cuối ngày, bổ dường như đỡ mệt hơn sau những chuyến lên rừng trở về. Mẹ lấp lánh niềm vui hạnh phúc khi thấy chồng con ngon miệng thưởng thức thành quả lao động của mình. Vì rêu đá xuất hiện theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.
Những năm gần đây đời sống phát triển khiến môi trường bị ô nhiễm nên rêu mọc càng ít hơn ngày trước. Vào mùa rêu, nhiều người phải đi xa, đến thượng nguồn những con suối vớt rêu về bán với giá 15.000 - 30.000 đồng/kg. Ông Vi Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, chia sẻ: “Nghề vớt rêu đá mang lại thu nhập cho người dân lúc nông nhàn. Mỗi ngày một người có thể vớt được 10kg, gia đình nào đông nhân lực thì khoảng 20kg, thu nhập trung bình 500.000 đồng. Tuy nhiên, rừng núi hiểm trở, chính quyền luôn khuyến cáo người dân khi vớt rêu đá cần đi theo nhóm, tránh đến những vị trí suối sâu”. Vậy là món rêu đá giờ đã thành hàng hóa. Điều quan trọng, “thứ quà” một thời vẫn chưa mất đi. Ít nhất là nơi đầu nguồn con suối Xim vẫn còn rêu đá. Du khách phương xa, những ai còn lạ lẫm với món ăn này, có thể tìm về thưởng thức lúc đông qua, xuân tới.
Trở lại chuyện, người ta ngợi ca món rêu đá của người Thái vùng cao có thể giúp sống lâu. Điều này chưa hề rõ thực hư, chỉ biết loài thực vật này chỉ ưa nguồn sông suối trong lành, nước trong và chảy xiết, môi trường thanh sạch. Ngoài “thứ quà” rêu đá theo mùa, trên các dòng sông, suối còn có các loại cua, ốc, cá là những món ăn đầy chất đạm; các loại rau rừng được sử dụng trong thuốc Nam là món ăn hàng ngày như rau dớn, rau đắc dẻ, rau chuối, măng rừng... Ăn các món ăn từ thiên nhiên, sống hòa mình vào tự nhiên, lĩnh hội những tinh túy của đất trời. Sống cuộc sống lao động, vui vẻ bên con cháu là bí quyết để nhiều lão niên sống như tiên, chạm đến “tuổi giời” cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/reu-da-thu-qua-ben-dong-suoi-xim-34973.htm