Rêu phong - màu thời gian gây hại
Rêu phong - yếu tố thường được coi là dấu ấn thời gian, lại đang trở thành chủ đề gây tranh cãi trong việc trùng tu các công trình kiến trúc di sản.
“Rêu phong” không phải là vấn đề đáng quan tâm
Việt Nam, đất nước với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, sở hữu nhiều công trình kiến trúc di sản quý giá. Nhiều công trình không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật độc đáo, là di sản văn hóa của cả nhân loại. Thực tế thì việc bảo tồn và trùng tu các công trình di sản luôn là bài toán khó, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc giữ gìn vẻ đẹp nguyên bản và bảo vệ khỏi những yếu tố gây hại. Trong đó, rêu phong – yếu tố thường được coi là dấu ấn thời gian, lại trở thành chủ đề gây tranh cãi mỗi khi có một công trình di sản được trùng tu, tôn tạo, mà mới nhất là Chùa Cầu ở Hội An. Nhiều người cho rằng, Chùa Cầu – sau khi trùng tu thành “mới quá”, “trẻ quá” do đã mất “màu thời gian”.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trên thế giới, có nhiều trường phái khác nhau trong khoa học trùng tu, mỗi trường phái có những quan điểm và phương pháp riêng. Tại Nhật Bản, hầu hết các công trình sau khi trùng tu đều có vẻ mới nguyên như vừa được xây dựng. Người Nhật quan tâm đến chất lượng, quy trình, công nghệ và kỹ thuật truyền thống trong quá trình trùng tu hơn là việc công trình có vẻ “mới” hay “cũ”. “Có lẽ do hầu hết người Nhật đã được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn và cả sự điềm tĩnh, khách quan khi nhìn nhận, đánh giá các sự việc”, TS. Phan Thanh Hải nói. Ngược lại, ở Việt Nam, nhiều người lại chỉ trích các công trình sau khi trùng tu, chúng không giữ được vẻ rêu phong cổ kính. Chẳng hạn, không chỉ Chùa Cầu mà nhiều công trình khác như cầu ngói Thanh Toàn ở Huế, hay biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) – một dự án trùng tu được coi là kiểu mẫu do chuyên gia Pháp thực hiện – cũng bị chỉ trích về việc “quá mới”.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, rêu phong chính là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của các công trình di sản. Rêu phong không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ mà còn gây hại nghiêm trọng đến cấu trúc và độ bền của công trình. Nói như TS. Phan Thanh Hải, “rêu mốc hay rêu phong là kẻ thù, là một trong những nguyên nhân quan trọng phá hoại các công trình di sản kiến trúc nên cần phải loại trừ”.
Cần loại trừ khi cần thiết
Dĩ nhiên việc loại trừ rêu phong không phải là quyết định ngẫu nhiên, mà dựa trên những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nhiều lần tiến hành loại trừ rêu mốc trên các công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Năm 2019, Trung tâm này đã phối hợp với các chuyên gia của Công ty Karcher (Đức) để làm sạch rêu phong trên Ngọ Môn bằng công nghệ Steam Cleaning (phun áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng), trả lại cho công trình diện mạo gần như nguyên thủy của gần 200 năm trước. Việc loại trừ rêu phong cũng đã và đang được thực hiện ở nhiều công trình khác như lăng vua Dục Đức; Bình phong phía trước và cổng tam quan điện Long Ân…
Theo TS. Phan Thanh Hải, một dự án trùng tu đạt kết quả tốt nhất, dù theo trường phái nào, vẫn phải hướng đến mục đích cuối cùng là phục hồi công trình với tất cả những giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật mà nó vốn có. Điều này đòi hỏi việc tuân thủ đúng các nguyên tắc về trùng tu di sản, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp với chất lượng cao nhất. Trong ví dụ mới nhất là Chùa Cầu hay nhiều công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đang được trùng tu, điều đáng quan tâm không phải là công trình có “rêu phong” hay không, mà là dự án trùng tu có giữ đúng vị trí hiện trạng, nguyên bản kiến trúc, kết cấu chịu lực hay không.
Rêu phong không phải là yếu tố gốc của công trình kiến trúc di sản. Rêu phong chỉ là “màu thời gian” và là “kẻ thù” hủy hoại kiến trúc di sản, cần được “loại trừ” khi cần thiết. Việc đánh giá một công trình trùng tu không nên chỉ dựa vào bề ngoài mà cần phải nhìn sâu vào chất lượng và phương pháp thực hiện. Một công trình có vẻ ngoài “mới” nhưng nếu được trùng tu đúng kỹ thuật, chất lượng, đảm bảo nguyên bản cấu trúc và giá trị lịch sử thì vẫn xứng đáng được công nhận.
Vấn đề nữa là trong thời đại mà việc bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được chú trọng, thì tư duy và nhận thức của công chúng về việc trùng tu cần được thay đổi. Chúng ta cần hiểu rằng, bảo tồn không phải là giữ nguyên mọi thứ mà là duy trì và phát huy giá trị của di sản trong bối cảnh hiện đại. Thay vì chỉ trích những công trình “quá mới” sau khi trùng tu, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và công bằng hơn, đánh giá dựa trên chất lượng và giá trị thực sự mà công trình mang lại. Chỉ khi đó, công tác bảo tồn và trùng tu di sản mới thực sự đạt được mục tiêu cao nhất – giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ mai sau.