Review 'Once Upon a Time in Hollywood': Kiệt tác khắc họa chân thật ngành công nghiệp Hollywood đến từ bậc thầy Quentin Tarantino

'Once Upon a Time in Hollywood' thực sự khác biệt so với những bộ phim thuộc cùng phạm trù của nó. Tác phẩm thứ 9 của Quentin Tarantino đặc biệt mang luận điệu bình giải về cách thức hoạt động của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood - mà ở đây là một phiên bản riêng do chính ông tạo nên.

Xuyên suốt Once Upon a Time in Hollywood (Chuyện ngày xưa ở Hollywood) là những thước phim hoa mỹ, bóng bẩy, đan lồng với nỗi thấm thía, đầy nuối tiếc về một kỳ huy hoàng đã qua, được lột tả bằng lối kể chuyện táo bạo nhưng nên thơ một cách kỳ lạ mà Tarantino đã hoàn thiện qua năm tháng. Tóm lại đây là một bộ phim của Tarantino về ngành làm phim, và chỉ có thể được thực hiện bởi chính Tarantino.

Những mô tả trên đây chẳng thể nào nói hết được cái đích đến đầy tham vọng của Tarantino. Mạch truyện của Once Upon a Time in Hollywood lấy bối cảnh xảy ra trong ba ngày đặc biệt vào thời điểm năm 1969 ở Los Angeles. Tarantino đã đề cập đến tội ác của gã sát nhân hàng loạt Charles Manson, bóng tối của nỗi sợ hãi mà hắn gieo rắc lên người dân và cơn địa chấn đã làm thay đổi toàn cảnh nền văn hóa miền Nam California trong giai đoạn ấy.

Trong đó, chàng diễn viên đóng thế thuộc tầng lớp lao động Cliff Booth (Brad Pitt) và một diễn viên điện ảnh sắp hết thời Rick Dalton (Leonardo DiCaprio) đang cố gắng giành giật, vật lộn từng ngày để có được một chỗ đứng chắc chắn ở đất Hollywood, cố gắng níu giữ những quy tắc cổ hủ đang dần trượt qua từng kẽ tay của họ như những hạt cát. Đây cũng chính là hình ảnh tương phản với tư tưởng tân tiến của một bộ phận cộng đồng mới đang nổi lên, gồm những cá thể muốn thoát khỏi lề lối lạc hậu của xã hội lúc bấy giờ.

Bộ ba nhân tố làm nên Once Upon a Time in Hollywood - Pitt, DiCaprio và đặc biệt là Tarantino - đều là những người trong nghề lâu năm với lý lịch trích ngang vô cùng ấn tượng. Once Upon a Time in Hollywood xảy ra vào thời điểm chín muồi nhất có thể, vì không một ai trong cả ba có thể đảm nhận vai trò của mình một cách hoàn hảo nhất ở một giai đoạn nào trước đó trong sự nghiệp của họ.

Với lối dẫn chuyện qua góc nhìn của Rick Dalton, Tarantino không khác gì đã xác nhận những khía cạnh thú vị nhất của ngành giải trí chính là khoảnh khắc nghỉ giải lao giữa các cảnh quay, ví dụ như phân cảnh một cô bé hướng dẫn cho một diễn viên lâu năm như Rick cách nhập tâm vào nhân vật, hay khi Cliff đấu tay đôi với Lý Tiểu Long (đến đây lại phải nhiệt liệt tuyên dương Mike Moh vì màn hóa thân ngôi sao võ thuật quá cố không khác gì sao y bản chính).

Theo Tarantino, Hollywood là miền đất hứa mà những kẻ mộng mơ ham đến, để rồi sau cùng bị đẩy vào cuộc chiến vô nghĩa với những thứ hoang đường, vớ vẩn để có được chốn dung thân. Rick thành thật thú nhận về mong muốn sở hữu đất đai ở Los Angeles vì anh sợ bị xem thường và cô lập nếu chỉ ở nhà thuê. Chúng ta lại thấy hàng xóm của Rick chính là Sharon Tate (Margot Robbie), cô diễn viên nóng bỏng vừa mới kết hôn với vị đạo diễn trứ danh Roman Polanski.

Định mệnh của Rick và Sharon giao nhau tại một thời điểm, và điều đó xảy ra sau khi khán giả nhận thấy hai nhân vật này chính là tấm gương phản chiếu hai mặt đối lập của giới showbiz hào nhoáng. Sharon là một nữ diễn viên trẻ đang lên, tràn đầy niềm tin và hy vọng, chỉ nghĩ đến việc bản thân cô có thể cùng khán giả xem bộ phim mà mình tham gia là đã hạnh phúc rồi. Trái ngược với viễn cảnh màu hồng đó chính là Rick - một nam diễn viên đang dần bị quên lãng, tài năng của gã bị che lấp bởi sự thiếu niềm tin vào bản thân, mà về sau suýt nữa đã khiến gã đánh mất cả sự nghiệp.

Once Upon a Time in Hollywood được nhiều nhà phê bình đánh giá là tác phẩm có chiều sâu, đáng suy ngẫm nhất của Tarantino từ sau kiệt tác Pulp Fiction. Có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên và cũng là duy nhất mang tính cá nhân đến thế đối với ông trong suốt một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy. Đây là đứa con tinh thần của một bậc thầy làm phim tự nhìn lại một chặng đường đã qua, từ đó làm nổi bật lên sức mạnh của những thước phim, mà đằng sau ánh hào quang đó là biết bao mồ hôi và nước mắt của những con người làm nghề giải trí.

Leonardo DiCaprio đem đến cho khán giả màn thể hiện xuất sắc nhất trong sự nghiệp. Anh hoàn toàn lột tả được sự tự ti, nỗi ngờ vực lớn dần trong Rick qua năm tháng đến nỗi làm khuất lấp đi chính tiềm năng của bản thân. Đồng thời, bộ phim cũng nêu rõ những yếu tố tiên quyết làm nên một ngôi sao màn ảnh, không chỉ đối với trường hợp của Rick Dalton, mà còn mở rộng ra đối với chính bản thân những diễn viên Hollywood kỳ cựu như Leonardo DiCaprio và Brad Pitt.

Người xem cũng khó lòng mà rời mắt khỏi màn ảnh mỗi khi đến phân đoạn của Brad Pitt trong vai anh chàng cao bồi theo nghề diễn viên đóng thế, phải xoay xở đủ đường trước sự thay đổi chóng mặt của Los Angeles, để rồi cuối cùng chọn cho mình một con đường mới, hoàn toàn khác biệt so với trước đây.

Theo sau câu chuyện của Rick Dalton là cuộc đời ngang trái của Sharon Tate, đòn tâm lý giáng mạnh vào cộng đồng gây nên bởi kẻ giết người hàng loạt Charles Manson và tất cả đều diễn ra trong bối cảnh rối ren của một xã hội đang có nhiều đổi mới những năm 60. Lựa chọn nhạc phim và đặc biệt là cách sử dụng máy quay của Tarantino đã tái hiện chính xác một kỷ nguyên đầy sự kiện mang tính lịch sử ở đất California.

Once Upon a Time in Hollywood (Chuyện ngày xưa ở Hollywood) là một hành trình liều lĩnh nhưng cũng đầy khát vọng, được nhiều nhà phê bình dự đoán sẽ trở thành một tác phẩm cult-classic (kinh điển) trong tương lai. Bộ phim thực sự chú trọng khai thác sâu vào chủ đề được nói đến và mê hoặc người xem đến từng giây từng phút. Toàn bộ kịch bản của Tarantino như một chuyến phiêu lưu quay ngược quá khứ về thời kỳ hoàng kim của Hollywood, đầy gay cấn, bất ngờ, chân thật đến rợn người mà chắc chắn bạn hoàn toàn không thể bỏ qua.

Bộ phim được khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 09/08/2019.

Anh Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/review-phim-once-upon-a-time-in-hollywood-5755832.html