Rhymastic: 'Trước khi có bài rap cho con, tôi cần tặng bố mẹ trước'
Rhymastic cho rằng trước đây anh là rapper số một, vị trí ấy bây giờ thuộc về Binz. Dù vậy, theo rapper 'Giàu sang', trong hip hop, vị trí số một không có ý nghĩa gì cả.
Không phải đến khi làm giám khảo Rap Việt Rhymastic mới nổi tiếng. Anh thực tế luôn được xếp vào hàng những rapper đình đám nhất của cộng đồng hip hop, là chủ nhân của những bản hit như Yêu 5, Nến và hoa. MC ILL - người vẫn được cho là "nhà bác học" trong rap đánh giá Rhymastic là rapper toàn diện bậc nhất của rap Việt, trong khi Hà Lê quả quyết: "Xét về kỹ thuật, Rhymastic đứng ở vị trí số một".
Zing tìm gặp Rhymastic chứng thực những lời có cánh đó, bởi ở Rap Việt, số đông mới thấy một Rhymastic hài hước hơn là câu chuyện nghề của anh.
- Rất vinh dự. Nhưng có lẽ, tôi cũng đã ở đủ lâu trong rap và hip hop để hiểu rằng vị trí số một không có ý nghĩa gì cả. Như tôi luôn cho rằng Suboi là rapper nữ số một trên thị trường hiện nay nhưng không có nghĩa là tất cả đều nghĩ như vậy.
Từ “số một” đôi khi chỉ là cách áp dụng của từng người và không thể đại diện cho toàn bộ cộng đồng rap/hip hop. Tôi có thể vui vì được công nhận nhưng tôi không phải là số một, và cũng không ai đứng ở vị trí số một mãi mãi.
- Nữ là Suboi, vậy nam rapper số một hiện nay có thể là ai, nếu phải đưa ra lựa chọn, theo anh?
- Binz, nhưng chỉ là thời điểm hiện nay thôi.
- Còn ngày trước?
- Rhymastic là số một.
- MC ILL cho rằng nếu tham gia một cuộc đấu rap, Rhymastic sẽ luôn đáng gờm vì ở trình rất cao của sự toàn diện?
- Đúng là tôi đấu với ai cũng không sợ vì đã nắm được kiến thức nền tảng trong rap. Khi mình không có gì thì mình mới sợ, còn nếu đã làm chủ được kỹ năng, chuyện không sợ là bình thường.
Nhìn chung, “gu” của tôi là tham, luôn cố nhồi nhét mọi thứ vào từng sản phẩm. Các bản rap của tôi luôn có nhiều kỹ thuật, có lẽ đó là sự toàn diện.
- Nhưng MC ILL cũng nhận định anh toàn diện nhưng không thực sự mạnh về điều gì. "Gót chân Asin" của anh?
- Tôi hơi lộ liễu, tất cả điều mà tôi đang trình bày trong âm nhạc hơi thỏa hiệp với khán giả, để khán giả hiểu rõ. Tương lai tôi muốn làm sản phẩm có nhiều yếu tố đương đại hơn. Nhưng để như vậy, tôi cũng cần vốn sống nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn, bứt phá nhiều hơn.
- Một rapper toàn diện về kỹ thuật như anh sẽ chọn ai làm đối thủ cho một trận battle hoặc dissing?
- Tôi thích đấu với Binz và Đen Vâu vì từ trước đến nay khán giả underground chưa bao giờ thấy hai người đó tham gia các cuộc đấu bao giờ. Đa số đều cho rằng Binz và Đen Vâu nếu đấu sẽ rất đáng gờm nhưng lại chưa có cơ hội chứng kiến.
Nhưng tôi nghĩ hai người ấy sẽ không thích đấu với tôi đâu (cười).
- Rap phụ thuộc vào con đường lớn lên của mỗi người. Nếu lớn lên từ gai góc, bụi bặm như Wowy thì lời rap sẽ thể hiện sự thô mộc. Trong khi, mọi người hay gọi tôi là “nhà bác học” hay “giáo sư” vì tôi cũng thích đọc, tìm hiểu mọi thứ rồi đưa vào rap. Câu từ của tôi thường nhồi nhét ý tưởng, hình thành nên phong cách riêng.
Tất nhiên, không có nghĩa là bên nào hay hơn, bên nào dở hơn. Nói vậy chỉ để thấy rap là nơi thể hiện những yếu tố trong con người mình.
- Wowy nói rằng rapper nào cũng muốn kết hợp với Touliver. Nhưng có lẽ trường hợp ấy không đúng với anh. Khi anh toàn diện và làm được nhiều việc, sáng tác, thể hiện và cả sản xuất âm nhạc, anh dường như không cần một Touliver dù có mối quan hệ thân thiết?
- Tôi kể một câu chuyện như này, là tôi có quen một người anh sinh ra trong gia đình làm Bún chả Sinh Từ nhưng anh ấy lại chưa bao giờ ăn bún chả. Tôi với Touliver không hẳn là như thế nhưng cũng có một phần như thế.
Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau và đã hợp tác thực hiện nhiều sản phẩm. Nhưng bây giờ thì cả hai đều muốn kết hợp với bên ngoài hơn là hợp tác cùng nhau. Cả hai đều muốn tìm kiếm nhưng điều mới lạ, đó là lý do những sản phẩm của tôi không còn do Touliver làm nhạc.
- Touliver trong anh?
- Một người thầy, một người anh, một người bạn trong rap. Đó cũng là những kính trọng mà tôi dành cho Touliver, người đã tạo ra SpaceSpeakers.
- SpaceSpeakers có bao giờ mâu thuẫn?
- Ngày xưa, trong SpaceSpeakers, Touliver là người dẫn dắt mọi người để tạo thành tập thể đoàn kết. Nhưng bây giờ nhóm hoạt động chuyên nghiệp hơn, như những mảng khác nhau trong một bộ não, cùng hợp lại để đưa ra sản phẩm tinh tế và hoàn hảo nhất. Chúng tôi chung mục tiêu là đóng góp và tạo ra giá trị cho thị trường.
Mâu thuẫn là khó tránh vì chúng tôi đâu phải cái máy, mỗi người có “gu” riêng nên góc nhìn cũng khác nhau. Nhưng chúng tôi đủ lý trí để đặt những mâu thuẫn lên bàn cân, đánh giá hơn thua. Khi đã đặt lên bàn cân, không đồng ý được điểm 10 cũng phải nhất trí được điểm 9.
- Battle rap và rap diss là không bao giờ dập tắt được, đó là góc trình bày quan điểm thô mộc nhất của rap. Còn khi hiện tượng dissing ít đi là do các rapper đã có cái nhìn thấu hiểu với nhau hơn.
Trước đây, chuyện diss và battle xuất phát từ những góc nhìn và quan điểm trái ngược nhau. Ngày trước là chuyện underground đi lên mainstream, rồi còn cả góc nhìn về vùng miền. Nhưng bây giờ các rapper kết nối, đồng cảm với nhau nhiều hơn. Dù vậy, đến thời điểm nào đó nếu xung đột xảy ra, dissing và battle sẽ trở lại và tạo tiếng nói trong cộng đồng.
- Trên ghế nóng Rap Việt, trong sự phủ sóng của rap trên truyền hình, anh có bao giờ thắc mắc và lý giải về sự lên ngôi mạnh mẽ của rap hiện nay?
- Có thể ví von rap hiện nay như bông hoa đang nở. Nhưng để có ngày nở thì cộng đồng rap đã được xây dựng từ rất lâu, ít nhất là 20 năm.
Nhiều thế hệ rapper đã học hỏi từ nước ngoài, Mỹ, châu Âu rồi mang về Việt Nam, dần dần mới trở thành những cộng đồng lớn mạnh. Điều quan trọng là trước đây rap có nhiều cộng đồng, mỗi cộng đồng lại đại diện cho những phong cách riêng, đôi khi có cả xung đột. Nhưng phải ghi nhận là thủ lĩnh của các cộng đồng luôn muốn rap được phát triển nhất.
Đến thời điểm này, rap tìm được tiếng nói chung, xích lại gần nhau vì chính đại diện của các cộng đồng nhận thấy sức mạnh của đoàn kết. Đã đến lúc không cần chia rẽ nữa, để đưa đam mê chung ra ánh sáng, tạo thành cộng đồng khổng lồ như bây giờ.
Thành công của hôm nay một phần chứng tỏ những người nổi trội của từng cộng đồng rap đã luôn truyền tải thông điệp về sự kết nối, tôn trọng, ủng hộ lẫn nhau.
- Theo anh, giữa một Binz đi xe hạng sang, những bộ đồ hàng hiệu, lấp lánh showbiz và một DSK ẩn mình ở Đà Lạt, thỉnh thoảng ra một vài bản rap không lợi nhuận, không thương mại. Ai mới là rapper đúng nghĩa?
- Tất cả họ đều là rapper đúng nghĩa, chỉ có khán giả cộp cho họ những cái mác khác nhau. DSK sẽ là underground, còn Binz là mainstream. Underground sẽ ít nổi tiếng hơn, không bị ràng buộc bởi những hợp đồng quảng cáo, những công ty đứng sau.
- Sự giàu có của rapper là tất yếu. Chẳng có tác phẩm nghệ thuật nào được làm ra mà không cần tiền. Nhiều người cho rằng như vậy là bán chất xám, biến chất, “sell out” nhưng từ góc nhìn của mình, tôi lại nghĩ khác.
Như tôi, vẫn làm producer, vẫn kiếm tiền bên ngoài để thỏa mãn gốc underground của mình. Nhưng tôi nghiệm ra khi rapper giàu có mới yên tâm, thoải mái tập trung cho sản phẩm. Không thể coi điều đó là bán chất xám bởi vì chất xám của người nghệ sĩ luôn ở đó.
Khi rapper thay đổi, người ta nghĩ là biến chất nhưng không phải, đó là quá trình thích nghi. Chẳng có ai mãi không thay đổi và giữ một hình ảnh y hệt từ năm này qua năm khác. Khi bạn không tìm được ánh hào quang, bạn sẽ bị một màu.
Kết luận là sự giàu có chỉ cho người nghệ sĩ giải quyết vấn đề cơm áo, gạo tiền, còn chất xám luôn ở đó, không bao giờ bị ảnh hưởng bởi chuyện giàu, nghèo.
- Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ là công nhân viên chức bình thường. Bố mẹ cũng là những người ham học nên tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Nhưng hơn cả là tôi học được khả năng thơ văn từ ông nội, quê ở Thái Bình. Ông tôi là thầy giáo dạy văn rất giỏi với khả năng chơi thơ rất hay, ông cũng dạy tôi viết chữ Hán, làm thơ.
Tôi cũng có một người ông khác trong họ dạy về toán, lý, hóa. Tựu trung là tôi được học nhiều kiến thức từ nhỏ. Nói vui là một cậu bé luôn được nhồi chữ vào đầu, do đó, cũng được kích thích khả năng tìm tòi, đọc hiểu.
Cũng hồi tiểu học, có bà hàng xóm sang nhà chơi và khen tay tôi đẹp, khuyên nên cho học đàn. Sau đó, tôi được học đàn và tiếp xúc với âm thanh rất sớm, nhen nhóm dần tình yêu với âm nhạc.
- Khi nào anh tiếp cận với rap?
- Hồi tôi học cấp hai, ở Hà Nội có một rap club, đó có lẽ cũng là club về rap đầu tiên ở Hà Nội. Anh trai tôi thích rap, đi học về, anh hay đưa tôi ra đó chơi. Tôi nhìn thấy mọi người hoạt động hip hop thì cảm thấy rất thích, từ ấy xây dựng tình yêu cho bộ môn này.
Và càng tìm hiểu tôi lại càng thấy quá chất, quá hay. Rap đại diện cho những tầng lớp mà tiếng nói của họ còn nhỏ, chưa có khả năng thoát thành tiếng cho người xung quanh hiểu. Rap lúc đầu đúng chất bụi bặm, tôi rất ấn tượng.
Về nhà, tôi nghiên cứu kỹ hơn, học hỏi tất cả rapper qua các kênh như MTV, rồi lên mạng tìm hiểu lời rap, xem các nghệ sĩ làm như nào và viết cái gì.
Tiếp xúc rồi như bị “nghiện” rap, tôi tìm hiểu về 2Pac, Eminem, mỗi rapper lại mở ra cho mình một chân trời mới, mỗi người lại có lớp ngôn từ đặc biệt.
Sau thời gian học hỏi nghiên cứu, bản năng rap của tôi dần hình thành và áp dụng tới tận bây giờ. Bây giờ tôi vẫn tìm hiểu, học hỏi những điều mới mẻ từ các rapper như Kendrick Lamar, ASAP Rocky.
- Con đường đến với rap của anh rất suôn sẻ, không nhiều thăng trầm như các rapper khác?
- Mỗi người lại có nỗi khổ riêng. Nhưng câu chuyện chung của anh em trong rap là gia đình ngăn cấm, tôi không ngoại lệ. Không có phụ huynh nào muốn con mình đi theo con đường mà chưa ai thành công ở Việt Nam khi đó.
Do vậy, ngay từ đầu tôi đã xác định con đường của mình là trước hết phải học hành chăm chỉ để đảm bảo đường hướng mà bố mẹ đã định sẵn, cũng là cách để có tiếng nói trong gia đình.
Khi đã lớn, để bố mẹ chấp nhận mình theo rap, tôi phải độc lập về kinh tế, có được thu nhập và gây được tiếng vang trong cộng đồng xung quanh. Và tôi làm được.
- Hồi cấp 2, tôi sáng tác đoạn rap cho tiểu phẩm Alo 123 có NSND Công Lý đóng, phát trên truyền hình. Tôi được trả lương 200.000 đồng, đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được từ âm nhạc, tôi rất vui và tự hào.
Đến thời cấp 3, anh JustaTee và Young Uno có giúp đỡ tôi vào nghề. Đầu tiên, tôi làm công việc bấm thu âm cho khách ở phòng thu. Công việc đủ tiền tiêu xài, có tiền trà đá, nhưng hơn cả là cơ hội ngồi ở phòng thu 24/24, được học hỏi về âm nhạc, hình thành vốn khổng lồ về âm thanh. Đó cũng quãng thời gian mà tôi lăn lộn nhất.
- Bây giờ thì thu nhập đã khác xa ngày ấy?
- Thực ra hiện tại số tiền tôi kiếm được từ rap không nhiều bằng làm sản xuất âm nhạc.
- Anh lấy vợ sớm nhỉ, ít nhất là so với các anh em trong rap?
- Tôi cũng gần 30 rồi. Đúng người thì cũng không sớm và chả muộn.
- Đằng sau “đúng người, đúng thời điểm” là một hành trình như thế nào?
- Là người nhát gái, tôi ít chủ động tán tỉnh. Nhưng với vợ tôi thì khác. Một ngày lướt mạng thấy cô ấy xinh, tôi muốn làm quen nhưng ngại lắm, chỉ dám vào like dạo, hóng hớt. Sau một thời gian, tôi mới dám lấy hết dũng khí nhắn tin làm quen. Cô ấy cũng “cành cao” nên tôi rất rón rén. Hồi ấy mình cũng nổi trong giới rồi nên cũng đỡ, mặc dù là nổi vì “diss” là nhiều (cười). Xong mời đi chơi, rồi thành luôn.
Với vợ, ngay từ đầu tôi đã xác định không phải yêu để thử vì chúng tôi có đủ tự tin về mặt cảm xúc để sống lâu dài với nhau.
- Cảm giác đón con đầu lòng ra sao?
- Đó là cảm giác hạnh phúc nhất trên đời, không từ nào diễn tả được.
- Anh là ông bố rất nghiện con?
- Trước khi có con, tôi không nghĩ mình lại thích trẻ con đến vậy nhưng đúng là khi bé chào đời, tôi cảm nhận được một tình yêu rất khác.
- Anh đã chuẩn bị bài rap nào tặng con chưa?
- Bài rap dành cho con chắc chắn là có, tôi vẫn đang lên ý tưởng. Nhưng trước khi có bài hát cho con, tôi phải hoàn thiện bài rap cho bố mẹ mình trước đã.
- Nếu sau này con anh muốn thành rapper, một “giáo sư” sẽ sẵn sàng đào tạo?
- Con tôi mà muốn theo ngành rap thì sẽ rất khổ vì bố nó khó tính. Nếu sau này, con đọc được bài phỏng vấn này, tôi khuyên là nên chọn nghề khác sẽ bớt khổ hơn (cười).