Rổ chỉ số VN30 thay đổi ra sao trong kỳ rà soát quý I/2025?
Theo ước tính của VNDirect, trong kỳ rà soát quý I/2025, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (mã Ck: LPB) sẽ được thêm vào rổ chỉ số VN30 và loại bỏ cổ phiếu POW.
Chứng khoán phái sinh: Chỉ số VN30 có khả năng hồi nhẹ Thay đổi danh mục chỉ số VN30 và VNFIN Lead kỳ quý I/2025 như thế nào?
Theo VNDirect, trong tháng 12 vừa qua, các quỹ ETF Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn rút ròng, với tổng giá trị hơn 325 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức rút ròng 1.341 tỷ đồng của tháng 11 trước đó. Lũy kế cả năm 2024, dòng vốn rút ròng từ các quỹ ETF đã vượt 20.600 tỷ đồng. Dòng vốn rút ròng chủ yếu đến từ quỹ VanEck Vector Vietnam ETF (315 tỷ đồng), quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (183 tỷ đồng), và quỹ DCVFM VN30 ETF (114 tỷ đồng).
Đáng chú ý, ngày 30/12/2024, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã ban hành quy tắc xây dựng bộ chỉ số HOSE phiên bản 4.0, thay thế phiên bản 3.1. Cụ thể như sau:
Bộ chỉ số HOSE - Index bao gồm các chỉ số VN30, VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare, VNAllshare Sector Indices, cùng với các chỉ số đầu tư như VNDiamond và VNFin Lead, sẽ được rà soát định kỳ vào quý I/2025. Theo lịch trình, kết quả xem xét định kỳ sẽ được công bố vào ngày 15/01/2025 và chính thức áp dụng từ ngày 03/02/2025.
Các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30, bao gồm DCVFM VN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, FUEMAV30 ETF và KIM Growth VN30 ETF, với tổng tài sản hơn 9.400 tỷ đồng, sẽ thực hiện tái cân bằng danh mục từ ngày 16/01/2025 đến 31/01/2025.
Dựa trên dữ liệu tính đến cuối năm 2024, VNDirect dự báo cổ phiếu LPB sẽ được thêm vào rổ chỉ số VN30 nhờ đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, đồng thời nằm trong top 20 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất. Nếu LPB được thêm vào, cổ phiếu POW sẽ bị loại khỏi rổ do vốn hóa thị trường nhỏ nhất trong nhóm. Khi đó, rổ VN30 sẽ bao gồm 15 cổ phiếu ngân hàng và 15 cổ phiếu thuộc các ngành khác.
Dự kiến, LPB, MWG và HPG sẽ được mua vào nhiều nhất, với khối lượng lần lượt 11,9 triệu cổ phiếu (374 tỷ đồng), 4,99 triệu cổ phiếu (304,8 tỷ đồng) và 11,2 triệu cổ phiếu (300 tỷ đồng). Trong khi đó, các cổ phiếu TCB, ACB và VPB có thể bị bán ra nhiều nhất, với khối lượng lần lượt 10,1 triệu cổ phiếu (250 tỷ đồng), 9,2 triệu cổ phiếu (240 tỷ đồng) và 10,6 triệu cổ phiếu (204 tỷ đồng).
Trong tháng 12/2024, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng với tổng giá trị hơn 2.780 tỷ đồng, trong đó dòng vốn từ các quỹ ETF chiếm khoảng 11,7%. Lũy kế cả năm, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt gần 92.560 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở sàn HOSE (2.300 nghìn tỷ đồng), tiếp đến là HNX (147 tỷ đồng) và UPCoM (335 tỷ đồng).
Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong tháng bao gồm VCB, FPT, VRE, MWG và BID, trong khi các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là SSI, CTG, TCB, HDB và STB./.