Rõ ràng, minh bạch mới mong vươn tầm!
Đúng vào tháng đầu tiên của năm 2024 - năm của rất nhiều sự kiện thể thao lớn, trong đó có Thế vận hội Olympic 2024, làng thể thao Việt lại được phen dậy sóng trước sự vụ liên tiếp nhiều vận động viên lên tiếng về việc bị ăn chặn tiền thưởng.
Vẫn biết tấm huy chương nào cũng có hai mặt, nhưng chừng nào mặt trái của tấm huy chương với những sự vụ chẳng mấy sạch sẽ, hay ho này còn chưa được gột rửa thì việc “nâng tầm vị thế thể thao thành tích cao Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế” vẫn chỉ dừng lại ở những hô hào trên giấy mà thôi.
1. Những ngày qua, cộng đồng thể thao Việt Nam xôn xao trước thông tin Phạm Như Phương - nữ vận động viên thể dục dụng cụ (TDDC), người vẫn được coi là “cô gái vàng”, hotgirl của TDDC Việt Nam” - bất ngờ tuyên bố quyết định giải nghệ ở tuổi 20. Nhưng bất ngờ và xôn xao hơn nữa là thông tin được cô VĐV trẻ “bonus” kèm theo, rằng cô đã bị ăn chặn tiền thưởng suốt nhiều năm qua, chính xác là từ năm 2017 - khi cô mới 12 tuổi đến nay, với mỗi tấm huy chương mà cô giành được, sau khi trừ 10% thuế thu nhập cá nhân thì cô phải nộp lại 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên (HLV).
Thậm chí, theo Như Phương, thời điểm cô giành 4 tấm huy chương vàng (3 cá nhân, 1 đồng đội) ở giải TDDC vô địch quốc gia 2023, cô phải chuyển tiền huy chương và tiền thưởng nóng cho HLV của mình với tỉ lệ 50% - 50%. Trong khi đó, trước kia, mức chia này giữa vận động viên và huấn luyện viên là 70% - 30%.
Xôn xao dậy sóng hơn nữa là sau “phát pháo nổ” của Như Phương, một số cựu tuyển thủ TDDC khác cũng đã tiết lộ việc bản thân bị ăn chặn tương tự. Đơn cử như Lâm Như Quỳnh (sinh năm 2006) cũng từng là một trong những tài năng sáng giá của đội tuyển TDDC Việt Nam, giành HCB đồng đội tại SEA Games 31 (cùng Như Phương) và đã quyết định giải nghệ vào năm 2023 sau 10 năm tập luyện và thi đấu vì những bất cập tại đội tuyển. Theo Lâm Như Quỳnh, cô cũng từng phải nộp 10% tiền thưởng, thậm chí Như Quỳnh còn phải đóng tiền “quỹ lạ” nhiều hơn cả Như Phương.
Theo đó, ngoài việc bị thu 10% tiền thưởng thành tích, 30% tiền thưởng nóng giống Như Phương, mỗi tháng cô còn phải nộp đều đặn đến 505.000 đồng tiền quỹ. Như Quỳnh cho biết, số tiền quỹ này được HLV phụ trách nói dùng vào việc mua băng cho cô và đồng đội tập luyện nhưng chưa bao giờ HLV mua cả, mà cá nhân cô phải tự bỏ tiền túi ra mua.
Sự việc nhanh chóng đã tạo nên làn sóng bất bình mạnh mẽ trong dư luận khi nhiều cư dân mạng ngay lập tức “lật hồ sơ” và thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên, ngành thể dục thể thao vướng phải những lùm xùm “ăn chặn” như thế này. Gần nhất là hồi tháng 10/2023, ông Bùi Xuân Hà - HLV trưởng đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia bị cho thôi chức, sau những lùm xùm về bữa ăn 800.000 đồng không đủ no và thu tiền mỗi tháng 1,5 triệu đồng/VĐV.
Thật hư, độ đúng sai, thật giả của những sự vụ xì xèo nói trên như thế nào, rồi đây các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có liên quan chắc chắn sẽ phải vào cuộc xác minh và có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, người xưa đã có câu “có lửa mới có khói”. Một vài người “tố” thì có thể nghi ngờ, nhưng có đến nhiều người cùng lên tiếng “tố”, không phải một lần mà nhiều lần thì câu chuyện “có khói” là khó có thể phủ nhận.
2. Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Thanh niên và Thể dục, đồng thời viết bài kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục, thể thao, phát triển TDTT trong đó có thể thao thành tích cao đã luôn là một chủ trương lớn, luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Ðảng, Nhà nước ta.
Từ sự quan tâm đầu tư đó, TDTT thành tích cao Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, dần ghi nhiều dấu ấn trên đấu trường thể thao quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thể thao Việt Nam dù đang đứng hàng đầu Đông Nam Á và đạt được kết quả nhất định ở các đấu trường Asiad, Olympic, nhưng sự phát triển của thể thao thành tích cao nước nhà so với khu vực vẫn không ổn định.
Đơn cử như tại SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023, thể thao Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn, nhưng chỉ sau đó 4 tháng, tại Asiad 19 diễn ra tháng 9/2023 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được 3 Huy chương vàng, đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á.
Thực tế này cho thấy, để làm được cái gọi là “nâng tầm thể thao Việt Nam”, còn rất nhiều việc phải làm. Gần đây nhất, tại Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 (diễn ra cuối năm 2023 vừa qua tại Hà Nội) được coi là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành Thể thao, đã có rất nhiều ý kiến chỉ ra những điều còn thiếu, còn yếu của thể thao Việt Nam, trong đó nhiều ý kiến tiếp tục nhấn mạnh tới một yếu tố không hề mới: Nguồn lực đầu tư.
Quả thực, mức đầu tư của chúng ta còn thấp so với một số nước trong khu vực, như: Thái Lan, Singapore... Trong 2 năm gần nhất, kinh phí chi cho Thể thao thành tích cao (TTTTC) lần lượt là 686,4 tỷ đồng (2022) và 710,6 tỷ đồng (2023). Riêng kinh phí đoàn tập huấn, tham gia các giải thi đấu quốc tế ở nước ngoài rất khiêm tốn, lần lượt chỉ là 90 tỷ - chiếm vỏn vẹn 13% tổng kinh phí cho TTTTC năm 2022, và 110 tỷ - tương ứng 15,4% tổng chi năm nay 2023.
Như ở môn bắn súng, bộ môn mới giành HCV ASIAD và đến thời điểm này là môn Olympic có đủ bộ huy chương cao quý nhất thì chi phí cho tập huấn và thi đấu quốc tế hằng năm cũng chỉ là khoảng hơn 3,3 tỷ đồng (hơn 150 nghìn đô la), trong khi con số được tính toán là cần thiết vào khoảng gấp... 3-4 lần như thế (khoảng 500 nghìn đô).
Cũng tại “Hội nghị Diên Hồng” của ngành Thể thao, thông tin được đưa ra cho biết dự kiến, trong giai đoạn 2024 - 2026, ngành thể thao sẽ được Nhà nước đầu tư 800 - 850 tỉ đồng/năm cho TTTTC. Còn trong giai đoạn 2027 - 2030 con số dự kiến vào khoảng 850 - 900 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu nhìn vào mức chi cho TTTTC trong 2 năm qua, con số dự kiến chi 800 hay 900 tỷ/năm đến năm 2030 không phải “sự đột phá rõ rệt về ngân sách tài chính”.
Trong bối cảnh “không có sự đột phá rõ rệt về ngân sách tài chính” đó, điều duy nhất mà TTVN phải làm, ngoài chuyện cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động thể thao, cái trước tiên vẫn là câu chuyện “liệu cơm gắp mắm”, việc đầu tư, chi tiêu phải làm sao cho “trúng và đúng”, việc đầu tư cho nhóm môn và lực lượng VĐV ngôi sao trọng điểm phải được thực hiện chuẩn xác và nghiêm túc.
Theo nhiều chuyên gia, thậm chí, ngay cả trong nhóm môn, VĐV trọng điểm ngôi sao cũng cần sàng lọc tiếp để tìm ra chính xác cơ hội và hy vọng tranh chấp huy chương ASIAD, Olympic nằm ở nội dung và con người nào để từ đó dồn nguồn lực đầu tư, còn nếu chỉ thực hiện một cách máy móc, cứng nhắc và đầu tư dàn trải, tư duy nhiệm kỳ và cào bằng kinh phí cho các bộ môn (nội dung trong môn), VĐV trọng điểm thì đó sẽ sự lãng phí hoàn toàn có thể dẫn tới thất bại.
3. Nhưng quay trở lại sự vụ Phạm Như Phương, Lâm Như Quỳnh… sẽ thấy một thực tế, để “nâng tầm thể thao thành tích cao Việt Nam”, câu chuyện “phân bổ nguồn lực” sao “đúng và trúng” là việc “cần phải làm ngay” là phải được làm quyết liệt hơn nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”. Nếu cái sự thiếu làm các VĐV nản một thì thiết nghĩ câu chuyện “không công bằng” còn làm họ nản 10, thậm chí là bức xúc, là giải nghệ như Phương, như Quỳnh đã làm. Đơn cử như trong câu chuyện cơ chế thưởng dành cho HLV và VĐV.
Theo quy định tại Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ, HLV trực tiếp đào tạo VĐV lập thành tích cá nhân tại các giải quốc tế thì được mức thưởng chung tương đương với VĐV còn với HLV trực tiếp đào tạo đội tuyển, mức thưởng sẽ tùy thuộc vào số lượng VĐV đạt thành tích tại giải đấu quốc tế đó. Vậy nguồn tiền thưởng lấy từ đâu? Có tách bạch giữa HLV và VĐV không hay trả thưởng chung cho cả tập thể? Việc thực tế áp dụng quy định trên ra sao, có thực sự minh bạch, thực sự thỏa đáng hay chưa?
Đó thực sự là những câu hỏi cần có câu trả lời bởi rõ ràng ai cũng hiểu không một mình HLV dám tự nghĩ ra thứ luật lệ bất thành văn này. Rõ ràng, mặt trái, những vết nhơ bẩn của tấm huy chương của TTTTC Việt Nam đã tồn tại từ khá lâu, nhiều người biết nhưng dường như tất cả đã bị phớt lờ, nhắm mắt cho qua quá lâu và sự “tố” gần đây cũng chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Và nếu như những sự “tố” lần này còn tiếp tục để “trôi vào lãng quên” thì vẫn sẽ tồn tại những uất ức làm nhụt chí, làm nản lòng những người trong cuộc. Và khi đã tồn tại những uất ức, những nản lòng, thì đừng mong tới câu chuyện “nâng tầm thể thao Việt”.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ro-rang-minh-bach-moi-mong-vuon-tam-post281381.html