Rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông?
Chính phủ Mỹ tuần qua đánh giá báo cáo về vụ rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, sau khi công ty Pháp sở hữu một phần và giúp vận hành nhà máy cảnh báo 'nguy cơ phóng xạ trước mắt', theo các quan chức Mỹ và tài liệu mà CNN có được.
Giai đoạn 1 của dự án điện hạt nhân Đài Sơn hôm 20/12/2018. Ảnh: Xinhua.
Cảnh báo bao gồm cáo buộc rằng, cơ quan an toàn của Trung Quốc đang nâng mức cho phép đối với nồng độ phóng xạ được phát hiện bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Quảng Đông (miền nam Trung Quốc, gần đảo Hải Nam) để nhà máy không bị đóng cửa, theo nội dung thư mà công ty Pháp Framatome gửi Bộ Năng lượng mà CNN có được.
“Nguy cơ phóng xạ trước mắt”
Dù Framatome có cảnh báo về “nguy cơ phóng xạ trước mắt”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng, Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn chưa rơi vào “cấp độ khủng hoảng”, CNN ngày 14/6 dẫn lời một nguồn tin.
Giới chức Mỹ cho rằng, tình hình hiện nay không gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của công nhân nhà máy hoặc công chúng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc một công ty nước ngoài đơn phương tìm đến chính phủ Mỹ xin trợ giúp khi đối tác Trung Quốc (thuộc sở hữu nhà nước) chưa thừa nhận có vụ rò rỉ là một điều bất thường. Mỹ có thể bị đặt vào một tình huống phức tạp khi vụ rò rỉ tiếp tục hoặc trở nên nghiêm trọng hơn mà không được xử lý.
Tuy nhiên, mối lo ngại đủ lớn để Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp trong tuần qua. Họ đã và đang giám sát tình hình. Theo giới chức Mỹ, cuối tuần qua có cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Laura Rosenberger - giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia và Mallory Stewart – giám đốc cấp cao phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí.
Chính quyền Biden đã thảo luận tình hình với chính phủ Pháp và các chuyên gia của họ tại Bộ Năng lượng Mỹ, các nguồn tin nói. Mỹ cũng đã liên lạc với chính phủ Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ từ chối giải thích về việc đánh giá về vụ rò rỉ, nhưng các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định, nếu có bất kỳ nguy cơ, rủi ro nào xảy đến với công chúng Trung Quốc, Mỹ phải được biết theo các hiệp ước hiện hành liên quan sự cố hạt nhân.
Framatome đã liên lạc với phía Mỹ nhằm xin một quyền miễn trừ cho phép họ chia sẻ sự trợ giúp kỹ thuật Mỹ để giải quyết vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc. Trong một bản ghi nhớ gửi hôm 8/6, công ty Pháp nói rằng, Trung Quốc nâng nồng độ phóng xạ cho phép lên, vượt tiêu chuẩn của Pháp.
Mỹ có thể cho phép Framatome trợ giúp kỹ thuật hoặc ủng hộ để giải quyết vấn đề, nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ quyết định là có cần đóng cửa toàn bộ nhà máy hay không, theo các tài liệu mà CNN có được.
CNN đã liên lạc với giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh và Quảng Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, tập đoàn năng lượng nhà nước vận hành Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn cùng với công ty Pháp, nhưng chưa đơn vị nào trả lời. Cuối tuần qua, chỉ có Framatome trả lời CNN: “Chúng tôi đang ủng hộ giải pháp đối với một vấn đề vận hành tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc”.
“Theo các dữ liệu hiện có, nhà máy đang vận hành với các thông số an toàn. Đội ngũ của chúng tôi đang làm việc với các chuyên gia liên quan để đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp nhằm giải quyết bất kỳ vấn đề tiềm năng nào”, công ty Pháp tuyên bố.
Trong một bản ghi nhớ mà chuyên gia của Framatome gửi Bộ Năng lượng Mỹ ngày 8/6 có đoạn viết: “Tình hình là có nguy cơ phóng xạ trước mắt đối với khu vực hiện trường và với công chúng. Framatome khẩn thiết xin phép gửi dữ liệu kỹ thuật và sự trợ giúp có thể là cần thiết để đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường”.
Theo Framatome, cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục nâng giới hạn khí gas thải ra từ nhà máy điện hạt nhân. Công ty này cho rằng, cách làm này nhằm giữ cho lò phản ứng hạt nhân đang bị rò rỉ tiếp tục hoạt động, bất chấp quan ngại về sự an toàn cho cộng đồng dân cư xung quanh nhà máy.
Bà Cheryl Rofer, nhà khoa học hạt nhân từng công tác tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ), cảnh báo rằng, vụ rò rỉ gas có thể báo hiệu các vấn đề lớn hơn. “Nếu thực sự họ bị rò rỉ gas thì điều đó cho thấy một số khoang chứa bị vỡ. Ngoài ra, có thể một số thành phần nhiên liệu có thể đã bị vỡ. Đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng hơn”, bà nói.
Sẽ không xảy ra thảm họa
Hiện nay, giới chức Mỹ cho rằng, tình hình sẽ không diễn biến xấu thành thảm họa, nguồn tin nói với CNN.
Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng sử dụng năng lượng hạt nhân, loại năng lượng này chiếm khoảng 5% tổng lượng điện của nước này.
Theo Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tính đến tháng 3/2021, Trung Quốc có 16 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với tổng số 49 lò phản ứng, tổng công suất 51.000 megawatt.
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận với tập đoàn điện lực Pháp Électricité de France (phần lớn thuộc sở hữu của chính phủ Pháp). Nhà máy được khởi công xây dựng năm 2009 và hai tổ máy phát điện từ năm 2018 và 2019.
Thành phố Đài Sơn có dân số 950.000, nằm ở tỉnh Quảng Đông (dân số 126 triệu người, GDP 1.600 tỷ USD, tương đương Nga và Hàn Quốc).
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ro-ri-nha-may-dien-hat-nhan-o-quang-dong-post1345940.tpo