Rộ tin đồn pháo tự hành Triều Tiên xuất hiện trong xung đột Nga - Ukraine
Các đơn vị pháo tự hành M1989 Koksan do Triều Tiên sản xuất dường như đã xuất hiện trên chiến trường và đang được quân đội Nga sử dụng.
Thông tin trên được kênh Telegram Military Informant tiết lộ, cùng một đoạn video được cho là ghi lại gần khu vực tiền tuyến.
M1989 Koksan là một hệ thống pháo tầm xa mạnh mẽ, được phát triển và sản xuất tại Triều Tiên. Nó có khả năng tấn công các mục tiêu ở phạm vi lên tới 60 km.
Thông tin về việc Triều Tiên chuyển giao M1989 Koksan cho Nga bắt đầu xuất hiện vào mùa thu, khi một số bức ảnh và video về các đoàn tàu chở pháo tự hành lan truyền trên mạng. Nhưng sự xuất hiện của những khẩu pháo này trên tiền tuyến là bằng chứng đầu tiên về sự tham gia của chúng trong cuộc xung đột.
Trước đó, ngày 6/1, tạp chí Military Watch đăng tải đoạn video cho thấy tên lửa chống tăng Bulsae-4 của Triều Tiên được sử dụng chống lại lực lượng Ukraine. Kết quả của cuộc tấn công là một đơn vị pháo tự hành 2S1 Gvozdika của Ukraine đã bị phá hủy.
Theo Military Watch, tên lửa Bulsae-4 lần đầu tiên được phát hiện trên chiến trường vào tháng 8/2024 và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược của lực lượng Nga.
Bulsae-4 là hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường tương tự Javelin của Mỹ, nhưng có tầm bắn tăng gấp đôi lên tới 10 km.
Những tên lửa này có khả năng tấn công các khí tài từ trên cao, nơi lớp giáp thường mỏng hơn, khiến chúng đặc biệt hiệu quả khi chống lại xe hạng nặng và pháo binh cơ động.
Sử dụng dữ liệu từ máy bay không người lái và các phương tiện trinh sát khác, tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ngoài tầm nhìn, làm tăng đáng kể giá trị chiến thuật của chúng.
Trường hợp sử dụng Bulsae-4 gần đây nhất được ghi nhận gần làng Malaya Loknya ở tỉnh Kursk (Nga).
Tuy nhiên, Nga vẫn chưa bình luận về các báo cáo của phương tiện truyền thông nước ngoài.