Rõ trách nhiệm, chuyển tải đầy đủ nguyện vọng của cử tri

Sau một ngày rưỡi làm việc tập trung, dân chủ, trách nhiệm, nội dung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV đã khép lại với nhiều dư âm ấn tượng. Theo sát các diễn biến tại nghị trường, đại diện cơ quan dân cử nhiều địa phương đánh giá, các ĐBQH đã thể hiện rõ trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng của đất nước, chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Những khuyến nghị, giải pháp căn cơ được đưa ra cũng cho thấy, tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ hướng đến mục tiêu cao nhất là ổn định đời sống Nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái VŨ QUỲNH KHÁNH: Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khu vực miền núi

Qua theo dõi phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong năm 2021 vừa qua. Nhờ đó, nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, tạo nền tảng quan trọng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, đem lại nhiều kết quả toàn diện, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh; hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư khá đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt; củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong một ngày rưỡi thảo luận vừa qua, tôi đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của ĐBQH về những vấn đề nổi lên trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo hiện nay. Theo tôi, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng mô hình thư viện, sách giáo khoa dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là mô hình giúp tiết kiệm kinh phí, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình khó khăn, có con trong độ tuổi đến trường. Bên cạnh đó, cần linh hoạt, cần chặt chẽ hơn nữa trong công tác điều hành để nâng cao hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi trong kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu trong nước tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá.

Về sự phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, theo tôi, điểm "nghẽn" lớn nhất đang kìm hãm sự phát triển của các địa phương trong vùng chính là hạ tầng giao thông. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Từ đó, thúc đẩy kết nối liên vùng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương; phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các địa phương trong triển khai các nội dung nghị quyết, kế hoạch, dự án lớn của Trung ương tại địa phương cũng như khu vực.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang LÊ THỊ THANH TRÀ: Rõ giải pháp tháo gỡ đối với từng “nút thắt”

Trong một ngày rưỡi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại nghị trường Kỳ họp thứ Ba, với hàng trăm lượt đăng ký phát biểu, các ĐBQH thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trước các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm và sự phục hồi, phát triển bền vững của đất nước sau đại dịch. Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tọa, các ĐBQH hỏi gọn, đi thẳng vào trọng tâm, nêu bật các điểm “nghẽn” ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi lên là thực trạng chậm trong giải ngân vốn đầu tư công; việc tiếp cận các gói hỗ trợ phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19; tình hình thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản hay nguy cơ lạm phát hiện hữu… đang tác động đến các mặt đời sống xã hội.

Qua phiên thảo luận, tôi đặt nhiều kỳ vọng về đà phục hồi, tăng trưởng trở lại của nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đồng thời, mong muốn Chính phủ có giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn đến trung hạn và dài hạn để kiểm soát lạm phát. Trong đó, những mặt hàng thiết yếu cần được bình ổn giá để bảo đảm an sinh xã hội. Các gói hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp phải sớm được thực hiện để khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Tôi cũng đồng tình với ý kiến đại biểu đề nghị phải có chỉ tiêu định lượng về khối lượng công việc cần hoàn thành, làm cơ sở đánh giá hiệu quả thực thi Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Bởi, tính thời điểm của Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, càng chậm trễ thì càng dễ đánh mất “thời điểm vàng” phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dưới góc độ cơ quan dân cử địa phương, tôi cũng tán đồng với nhận định của các ĐBQH về những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai hiện nay. Tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng cao trong thời gian qua. Để tập trung tháo gỡ những bất cập trước mắt cũng như về lâu dài, Chính phủ cần quan tâm và có biện pháp xử lý phù hợp, sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập, sai phạm; những vụ việc tồn đọng về khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài... Vấn đề này cần được quan tâm đúng mức và có biện pháp chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật và giảm thiểu bức xúc ở cơ sở.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Trị BÙI THỊ VÂN: Tập trung cơ cấu lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Một ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV vừa qua đã diễn ra hết sức sôi nổi, trách nhiệm. Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tọa, các ĐBQH đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế trong nội tại đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, như: Giá xăng tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch; một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm 2022 - 2023 triển khai còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng; lạm phát tiếp tục tăng cao; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới suy giảm đáng kể; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững… Qua đó, đóng góp nhiều giải pháp căn cơ để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, vững vàng duy trì đà phục hồi và phát triển bền vững.

Theo dõi diễn biến tại các phiên thảo luận, tôi hoàn toàn tán thành với các ĐBQH khi mong muốn Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp; xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn trong nước và quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát… Đặc biệt, đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương hướng dẫn kịp thời, sớm bố trí vốn về địa phương để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới. Khẩn trương cơ cấu lại nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới…

TRỌNG HIẾU - BÁCH HỢP - DIỆP ANH thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/ro-trach-nhiem-chuyen-tai-day-du-nguyen-vong-cua-cu-tri-i291083/