Rõ trách nhiệm, rõ địa chỉ nơi nào còn chậm, thiếu trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 11.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục

Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo quy định của Nghị quyết số 560 về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Thông qua đó đã phát hiện nhiều nội dung được giao quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được ban hành; một số trường hợp ban hành chưa tuân thủ đúng các quy định về thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, so với kỳ giám sát trước đây, thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Dẫu vậy, qua thực tiễn thực hiện cho thấy còn một số tồn tại. Đó là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung giao trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục triệt để, trong đó có những nội dung đã được kiến nghị từ những lần giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành; vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường việc quy định trực tiếp các nội dung điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết, hạn chế việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết cho các cơ quan ban hành. Chỉ đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động, tăng cường hơn nữa trong việc giám sát để hạn chế tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường cho giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kết hợp hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với các hoạt động giám sát khác để kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý đối với việc ban hành văn bản chậm, còn nợ hoặc chưa phù hợp…

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo tuân thủ nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để sớm khắc phục hạn chế, bất cập, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp và đạt được kết quả đáng khích lệ. Qua giám sát đã phát hiện một số văn bản ban hành chậm, văn bản có nội dung chưa phù hợp với hệ thống pháp luật, từ đó đề xuất các kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở Nghị quyết số 560, với nhiều nỗ lực cố gắng của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, hiệu quả triển khai công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật là khá tốt. Tuy nhiên, trong báo cáo đầy đủ cần bảo đảm có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết, rõ ràng, sâu sắc hơn để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các hạn chế được chỉ ra chủ yếu là chậm, thiếu và một số Ủy ban phát hiện được một số vấn đề là trái quy định pháp luật, do đó, nên đi sâu vào một số văn bản nổi lên từng thời kỳ, tập trung vào một số văn bản có tính chất cá biệt, làm rõ trách nhiệm với một số trường hợp cụ thể nhằm tạo sự tác động lan tỏa đến toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, bộ, ngành nào làm tốt cần biểu dương để học tập kinh nghiệm, nơi nào chưa tốt cũng cần chỉ rõ để rút kinh nghiệm…

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Tổng thư ký Quốc hội chủ trì mời Bộ Tư pháp, các cơ quan có liên quan họp để hoàn chỉnh báo cáo có tính tổng hợp, bao quát và có những nhận định, đánh giá, phân tích; đề ra những việc cần phải làm trong thời gian tới, chỉ rõ những số liệu, kết quả cụ thể sau khi làm việc với các các cơ quan có liên quan.

Thành Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/ro-trach-nhiem-ro-dia-chi-noi-nao-con-cham-thieu-trong-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-i323353/