Rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, tạo chuyển biến thực sự sau chất vấn

Trước thềm Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Năm, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc tìm giải pháp thúc đẩy 4 lĩnh vực được Quốc hội lựa chọn chất vấn lần này sẽ tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của nước ta trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Các đại biểu nhấn mạnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần trả lời rõ trách nhiệm, rõ giải pháp và hành động cụ thể, tạo chuyển biến thực sự sau chất vấn.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội):
Kỳ vọng giải pháp thúc đẩy nội lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội)

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP.Hà Nội)

Tôi hoàn toàn nhất trí với 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp này. Theo tôi, việc lựa chọn các nhóm vấn đề này để chất vấn đều rất “đúng” và “trúng”, thể hiện sự quan tâm tương đối toàn diện của các đại biểu Quốc hội đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, dân sinh. Việc tìm giải pháp thúc đẩy 4 lĩnh vực này sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.

Về giao thông, đây là lĩnh vực có ý nghĩa đột phá cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Vừa qua, lĩnh vực này đã có khá nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm quốc gia. Đối với lĩnh vực lao động, tôi cho rằng, năng suất lao động đang là vấn đề nổi cộm. Tôi mong Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có câu trả lời thỏa đáng đối với việc cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong thời đại số bởi điều này có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới.

Hiện nay, chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đứng trước yêu cầu phải thúc đẩy nhanh hơn nữa về đổi mới sáng tạo, có chính sách để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Tôi kỳ vọng vào các giải pháp từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc làm thế nào để khuyến khích, thúc đẩy nội lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Dân tộc miền núi luôn là vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta bởi chúng ta đặt mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững, nhân văn. Cùng với đó, sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc và miền núi còn liên quan mật thiết đến bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Cử tri và Nhân dân thời gian qua rất quan tâm đến việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững. Tôi rất mong Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ làm rõ các điểm nghẽn, vướng mắc và các nguyên nhân chậm triển khai các Chương trình để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục nhanh, hiệu quả trong thời gian tới bởi việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn liền với mục tiêu phát triển dài hạn của nước ta.

ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên):
Quan trọng là hành động cụ thể của các "tư lệnh ngành"

Tôi đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn 4 nhóm vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn lần này, gồm: lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học - công nghệ và giao thông, vận tải. Trong từng lĩnh vực, đều có những vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ và cũng đã phát sinh những vấn đề mới. Tôi cho rằng, 4 nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn lần này đều đúng và trúng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, Nhân dân và của chính các đại biểu Quốc hội.

ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên)

ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên)

Đối với lĩnh vực khoa học – công nghệ, qua theo dõi, tôi nhận thấy, vừa qua có rất nhiều kiến nghị liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Công nghệ cao, việc đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ cao vào thực tiễn cuộc sống còn rất chậm. Ví dụ, về ứng dụng khoa học công nghệ cao hiện nay là không có cơ sở pháp lý, không có hướng dẫn để các doanh nghiệp, nhà khoa học triển khai thực hiện. Hay với Quỹ đầu tư mạo hiểm thì hiện cũng chưa có hướng dẫn, khiến các nhà nghiên cứu e ngại rủi ro, không dám thực hiện. Nếu không sớm gỡ những vấn đề này thì khó có thể thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển nhanh hơn được.

Về lĩnh vực dân tộc và miền núi, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực ban hành các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, song việc triển khai thực hiện cũng không được như mong đợi của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân.

Tôi mong muốn, qua phiên chất vấn lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ góp ý thẳng thắn, tâm huyết, chỉ rõ được trách nhiệm của các Bộ chủ quản đối với từng lĩnh vực; đồng thời, các Bộ trưởng cũng phải nghiêm túc nhìn nhận và giải trình rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong từng ngành, lĩnh vực. Chính phủ cũng phải đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục các hạn chế, chấn chỉnh những tồn tại và phát huy những điểm tốt của các ngành, các lĩnh vực.

Điều quan trọng hơn cả việc “chất vấn tốt”, “trả lời hay” là sau chất vấn phải tạo ra thay đổi gì trong thực tiễn, thể hiện qua hành động cụ thể của các Bộ trưởng, trưởng ngành - không phải chỉ riêng 4 Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính mà còn cả bộ máy của Chính phủ nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách, thực thi hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình. Có như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng, tâm nguyện của cử tri và Nhân dân.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Do vậy, tôi mong muốn, người chất vấn và trả lời chất vấn đều tham gia với tâm thế xây dựng, cầu thị và thẳng thắn, qua đó làm rõ trách nhiệm, giải pháp đối với những vấn đề đang được cử tri, người dân quan tâm.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Tôi tin tưởng vào thành công của Phiên chất vấn vì công tác chuẩn bị đã được tiến hành hết sức kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội chọn sớm các nhóm vấn đề chất vấn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính rà soát, đánh giá và có báo cáo chi tiết về các nhóm vấn đề chất vấn gửi tới các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, giúp các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, chất vấn đúng và trúng những nội dung trọng tâm, truyền tải hết mong muốn, gửi gắm của cử tri tới các bộ trưởng, trưởng ngành.

Cá nhân tôi sẽ chất vấn với cả 4 Bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi hiện nay các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ nhiều vấn đề đang được cử tri quan tâm như: việc thực hiện chế độ, chính sách với người có công với cách mạng; chính sách với sinh viên mới ra trường; tình trạng người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc không lương, thất nghiệp tăng nhanh trong những tháng gần đây; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…

Tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và bảo đảm quyền lợi cho người lao động là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần được Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm thực hiện bằng những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Số liệu về tình trạng lao động, việc làm trong các tháng đầu năm 2023 do Bộ đưa ra cho thấy, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, chưa kể lao động trong hộ gia đình, lao động tự do. Việc làm bị ảnh hưởng sẽ tác động đến đời sống, quyền an sinh của người lao động, nhất là tình trạng mất việc. Do đó, tôi mong Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ đưa ra hệ thống giải pháp khắc phục một cách căn cơ, đồng bộ và hiệu quả những vấn đề này.

Trung Thành – Thanh Hải – Minh Trang ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ro-trach-nhiem-ro-giai-phap-tao-chuyen-bien-thuc-su-sau-chat-van-i331345/