Robot cạnh tranh với công nhân Trung Quốc
Hàng loạt công ty ở Trung Quốc trong đó có Foxconn, nhà sản xuất gia công cho Apple, đang chuyển bớt khối lượng công việc sang cho đội quân robot, khiến nhiều người trong số 100 triệu công nhân trong ngành sản xuất của nước này mất hoặc đang có nguy cơ mất việc, theo tờ South China Morning Post.
Tìm cách ứng phó với làn sóng tự động hóa
Xia Xiaobo, một công nhân nhập cư 34 tuổi ở TP. Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, có thể xem là “nạn nhân” của làn sóng tự động hóa trong ngành sản xuất.
Năm ngoái, anh nghỉ việc tại nhà máy sản xuất hàng điện tử của Nhật Bản tại Đông Quản vì lo ngại tiến trình tự động hóa ngày càng tăng ở thành phố công nghiệp này sẽ ảnh hưởng xấu đến các triển vọng nghề nghiệp của anh.
Chọn lối đi trái với nhiều đồng nghiệp cũ, những người chuyển sang làm việc ở các công ty sản xuất nhỏ, nơi robot vẫn chưa được triển khai ở quy mô lớn, Xiaobo quyết định nâng cấp kỹ năng chuyên môn để bảo vệ nghề nghiệp trước làn sóng tự động hóa.
Hồi tháng 8 năm ngoái, anh nộp một khoản phí tương đương ba tháng lương để theo học khóa đào tạo nghề. Anh dự định tìm công việc mới sau khi khóa học kết thúc vào giữa tháng 3 tới. “Tôi học về lập trình tự động hóa để có thể tìm các công việc trong lĩnh vực sản xuất thông minh”, anh nói.
Khoảng 100 triệu công nhân Trung Quốc đang làm việc trong ngành sản xuất Trung Quốc. Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, ngành sản xuất đóng góp cho 30% GDP của Trung Quốc trong ba quí đầu năm 2018.
Như là một phần của kế hoạch nâng cấp lĩnh vực sản xuất, cách đây 4 năm, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động thay thế dần lao động tay chân bằng robot. Các tỉnh có mức độ công nghiệp hóa cao như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang đã triển khai công nghệ tự động hóa ở quy mô lớn.
Năm ngoái, chính quyền TP. Đông Quản, một trung tâm công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc, đã phân bổ 385 triệu nhân dân tệ (56,8 triệu đô la) để thúc đẩy tự động hóa ở các nhà máy.
Hồi tháng 1-2019, ông Xiao Yafei, thị trưởng Đông Quản, cho biết trong 5 năm qua, thành phố đã cắt giảm 280.000 công nhân trong ngành sản xuất bằng cách lắp đặt 91.000 robot.
Xia Xiaobo nói: “Cách đây 2 năm, tôi bắt đầu cảm nhận sức ép của làn sóng tự động hóa khi một người bạn nói với tôi rằng chính quyền đang thay thế công nhân bằng robot. Mức độ tự động hóa chắc chắn sẽ tăng, vậy nên, nếu tôi không trang bị cho bản thân các kỹ năng mới, rốt cục, tôi sẽ mất việc”.
Anh từng làm việc trong các ca kéo dài 10 tiếng với nhiệm vụ giám sát 104 máy móc ở 13 dây chuyền sản xuất. Dù mỗi dây chuyền sản xuất chỉ có hai công nhân giám sát, anh lo sợ rằng những công nhân này cũng sẽ sớm bị các robot thay thế.
Robot “cướp” chén cơm của công nhân
Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản để trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong năm 2017. Liên đoàn robot quốc tế (IFR) ước tính Trung Quốc sẽ phải lắp đặt ít nhất 800.000 robot công nghiệp vào năm 2020.
Tập đoàn chế tạo linh kiện điện tử Foxconn (Đài Loan) đang vận hành nhiều nhà máy ở Trung Quốc, đã lên kế hoạch chuyển sang sản xuất tự động hoàn toàn cho 30% sản lượng của tập đoàn này vào năm 2020. Foxconn cho biết chỉ trong vòng 4 năm ( 2012-2016) đã cắt giảm hơn 400.000 việc làm bằng cách triển khai hàng chục ngàn robot.
Cuộc khảo sát một số công ty chọn lọc do Quỹ Nghiên cứu phát triển Trung Quốc thực hiện hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy các công ty này đã cắt giảm 30-40% nhân công trong giai đoạn 2015-2017 nhờ tự động hóa.
Cuộc khảo sát lưu ý rằng một công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp ở TP. Hàng Châu đã cắt giảm nhân công từ 330 người vào năm 2014 xuống còn 193 người vào năm 2017. Sau khi bị cho nghỉ việc, hầu hết các công nhân của công ty này chọn cách trở về quê.
Cuộc khảo sát cũng dẫn một báo cáo của chính quyền TP. Hàng Châu cho biết 37 công ty ở thành phố này đã loại bỏ 800 công việc sau khi áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc, buộc 539 người chuyển đến bộ phận khác trong công ty và 261 người phải nghỉ việc. Tuy nhiên, nhiều lao động bị robot “cướp” mất việc thấy rằng quyết định thuyên chuyển công việc thực chất là giáng chức và giảm lương.
Li Ming, một công nhân đánh bóng khuôn tại một nhà máy ở Đông Quản, quyết định nghỉ việc sau khi công ty muốn chuyển anh sang một vị trí khác vì công việc của anh đã được thay thế bởi các robot.
“Tôi từ chối ở lại vì mức lương của tôi ở vị trí mới bị giảm một nửa. Tôi từng kiếm được 5.000 nhân dân tệ (737 đô la)/tháng nhưng ở vai trò mới, tôi chỉ được trả chưa đến 3.000 nhân dân tệ”. May mắn sau đó, anh tìm được một công việc mới ở một nhà máy khác tại TP. Thâm Quyến. Song nhiều công nhân bị mất việc làm vì robot rất khó tìm việc mới.
“Những người mất việc do tự động hóa đang cố gắng tìm cơ hội việc làm ở ngành dịch vụ đang phát triển mạnh của Trung Quốc. Song các công nhân ngành dịch vụ cấp thấp, ít sử dụng công nghệ cũng đang xoay sở để kiếm một mức lương đủ sống”, Jenny Chan, Phó Giáo sư ở Đại học Bách khoa Hồng Kông, nói.
Jenny Chan dự báo tình trạng phân hóa mạnh trong lực lượng công nhân Trung Quốc sẽ xảy ra. Những người có tay nghề chuyên môn cao sẽ được hưởng mức thu nhập và địa vị xã hội cao hơn trong một môi trường làm việc sử dụng nhiều kiến thức thông minh, trong khi đó, những người lao động tay chân sẽ không được bảo đảm việc làm và chỉ làm các công việc thấp kém tại nơi làm việc.
Lê Linh