Robot chiến xa VU-T10: Vũ khí không người lái mới của Trung Quốc hướng tới AI hóa chiến tranh
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Bắc Phương (NORINCO) – doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc – đã công bố video thử nghiệm một phương tiện chiến đấu không người lái mới: xe chiến đấu bánh xích VU-T10 gây xôn xao dư luận.

Robot chiến xa VU-T10 có tốc độ lên tới 60 km/h. Ảnh: NetEase.
VU-T10: Một thiết kế cho chiến tranh không người lái tương lai
Với khung gầm bánh xích, trang bị hỏa lực mạnh và khả năng vận hành tự động hóa cao, VU-T10 đang thu hút sự chú ý lớn từ giới quân sự và người hâm mộ quân khí tại Trung Quốc và quốc tế về mẫu xe chiến đấu không người lái (Unmanned Ground Vehicle, UGV) thông minh cho chiến tranh tương lai.
Chiếc robot chiến xa này có trọng lượng khoảng 11 tấn, được thiết kế đặc biệt để tham gia vào các chiến dịch tiến công–phòng thủ không cần người điều khiển trực tiếp trên chiến trường. Đây là một bước tiến lớn trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào vũ khí mặt đất của Trung Quốc.

Xe robot VU-T10 được trưng bày tại Triển lãm Chu Hải tháng 11/2024. Ảnh: QQnews.
Trong đoạn video giới thiệu, VU-T10 đã cho thấy khả năng cơ động tốt trên địa hình phức tạp, sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa để khai hỏa khi đang hành tiến. Xe được thiết kế theo kiểu cấu trúc mở giúp phương tiện có thể tùy biến theo nhiệm vụ, đồng thời được trang bị giáp bổ sung để chống chịu đạn cỡ nhỏ (7,62 mm) và mảnh văng từ lựu đạn hoặc đạn pháo cối.
Hỏa lực mạnh, phòng vệ tốt, khả năng tự hành và AI vượt trội
VU-T10 được trang bị một khẩu pháo 30mm – loại vũ khí đa năng có thể vừa dùng để yểm trợ bộ binh, vừa đủ sức đánh chặn UAV, đạn tuần kích và các mục tiêu trên không ở tầm thấp – những mối đe dọa ngày càng phổ biến trên chiến trường hiện đại.
Ngoài ra, xe còn có một khẩu súng máy đồng trục 7,62 mm và hai cụm ống phóng đạn khói/đạn gây nhiễu để tự vệ trước tên lửa chống tăng. Các cụm ống phóng này sử dụng hệ thống kích nổ điện, có thể khiến tên lửa mất phương hướng, bảo vệ bản thân xe trong các tình huống nguy cấp.

Robot chiến xa VU-T10 phóng tên lửa chống tăng "Hồng Tiễn-12". Ảnh: NetEase.
Một điểm đáng chú ý là VU-T10 có thể lắp được tên lửa chống tăng “Hồng Tiễn-12” (Red Arrow-12) trong module dạng pod treo ngoài, cho phép nó tấn công các mục tiêu ở cự ly xa – vượt quá tầm bắn của pháo 30 mm – và vươn tới khả năng tấn công tương đương xe chiến đấu bộ binh có người lái.
Robot chiến xa không người lái VU-T10 sử dụng hệ thống động lực lai xăng–điện: động cơ đốt trong chỉ có nhiệm vụ phát điện, còn xe vận hành nhờ mô-tơ điện đặt phía sau. Thiết kế này giúp nó hoạt động êm hơn, ít tiếng ồn hơn và cơ động tốt hơn ở địa hình rừng núi, khu vực đô thị hoặc địa hình hiểm trở. Xe có tốc độ tối đa 60 km/h và tầm hoạt động hơn 200 km.
Hệ thống định vị của xe là sự kết hợp giữa dẫn đường vệ tinh (GNSS), quán tính và trí tuệ nhân tạo xử lý hình ảnh – giúp nó định hướng, tự lập hành trình, nhận dạng mục tiêu và phối hợp tác chiến theo đội hình. Nó có thể tự động tránh vật cản, thực hiện các nhiệm vụ như: trinh sát, tuần tra, chi viện hỏa lực và tìm diệt tăng-thiết giáp.

Xe chiến đấu không người lái VU-T10 (trái) hiệp đồng tác chiến trong đội hình với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh khác. Ảnh: NetEase.
Hướng tới xuất khẩu và vị trí chủ lực trên chiến trường tương lai
Dù được gọi là “xe tăng không người lái” (robotic tank), nhưng với hệ thống bánh xích 5 cặp bánh chịu lực, hỏa lực tích hợp và khả năng hỗ trợ cho bộ binh cơ giới, VU-T10 thực chất giống một xe robot chiến đấu bộ binh hơn. Nó có thể đảm nhận vai trò yểm trợ hỏa lực cho lính bộ binh, thậm chí vận chuyển một lượng nhỏ trang bị.
Với khả năng thích nghi cao, thiết kế tối ưu cho chiến tranh cường độ thấp, VU-T10 được cho là có thể giảm tổn thất nhân mạng trong các chiến dịch nguy hiểm. Nếu được sản xuất hàng loạt, nó sẽ là lực lượng chiến đấu tiền tuyến hiệu quả trong chiến trường hiện đại hóa – nơi con người ngày càng ít xuất hiện trực tiếp.
Theo giới phân tích, khả năng cao robot chiến xa VU-T10 sẽ sớm được Tập đoàn NORINCO đưa ra các triển lãm quốc phòng quốc tế nhằm chào bán cho thị trường toàn cầu. Với trọng lượng tương đối nhẹ (11 tấn), trang bị linh hoạt, khả năng vận hành thông minh và chi phí vận hành thấp hơn xe có người lái, VU-T10 có thể hấp dẫn các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp không người lái bởi chi phí hiệu quả.
Đây cũng là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm xuất khẩu các hệ thống robot chiến đấu thông minh mang phong cách “Made in China”, cạnh tranh trực tiếp với các hệ thống UGV của Mỹ, Nga, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới quan sát quân sự cho rằng, VU-T10 là ví dụ điển hình cho thế hệ xe chiến đấu không người lái hiện đại: nhỏ gọn, mạnh mẽ, thông minh và tự hành. Nó không chỉ là bước đi mới của Trung Quốc trong cuộc đua AI hóa quân sự, mà còn phản ánh xu thế chiến tranh tương lai: ít người hơn, tự động hơn và nguy hiểm hơn.
Hiện NORINCO chưa công bố khách hàng quốc tế nào chính thức đặt mua VU-T10. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho biết các hệ thống không người lái của công ty đã được chào bán tại một số triển lãm quốc phòng gần đây ở Trung Đông và Đông Nam Á.