Robot sứa biển bảo vệ rạn san hô
Theo tạp chí Science Robotics, nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Southampton và Edinburgh xác nhận đã chế tạo một robot mô phỏng theo hình dáng và những chuyển động dưới nước của loài sứa biển, giúp thăm dò và bảo vệ an toàn các rạn san hô đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp.
Robot sứa biển
Robot có kích thước nhỏ gọn, với cấu tạo gồm phần thân bằng cao su và 8 xúc tu, được tạo ra bằng công nghệ in 3D. Robot được trang bị các vòi nước nhỏ nhưng đủ mạnh để có thể tự di chuyển dựa trên một hệ thống cộng hưởng. Theo các nhà nghiên cứu, đây là thiết bị lặn đầu tiên cho thấy những lợi ích của việc sử dụng hiện tượng cộng hưởng.
Nhờ công nghệ tiên tiến, robot mô phỏng loài sứa biển có lực đẩy hiệu quả hơn 10 đến 50 lần so với các phương tiện nhỏ thông thường chạy bằng chân vịt dưới nước. Robot còn có những lợi thế khác như kết cấu bên ngoài mềm và linh hoạt, tạo điều kiện lý tưởng để hoạt động gần những môi trường nhạy cảm như các rạn san hô, các khu khảo cổ hoặc ngay cả ở những vùng nước có nhiều sinh vật khác đang bơi. Nhờ những ưu điểm này, robot có thể thay thế các phương tiện dưới nước khác thực hiện những nhiệm vụ phức tạp, tinh vi như phân phối các chất giúp phục hồi những rạn san hô bị phá hủy.
Công nghệ mới trên đang được thử nghiệm trong các bể nước và chưa được sử dụng trong điều kiện thực tế ở đại dương. Giới khoa học Anh kỳ vọng có thể sử dụng ý tưởng trên để lắp ráp một phương tiện cơ động và tự vận hành có khả năng cảm biến và điều hướng.