Robot và Trí tuệ nhân tạo - Xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0

Nắm bắt yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao năm 2024 trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đưa ngành Kỹ thuật Robot vào tuyển sinh.

Robot và Trí tuệ nhân tạo - Xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Robot và Trí tuệ nhân tạo - Xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Nắm bắt yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Là một trong những đơn vị nắm bắt nhanh yêu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước theo xu hướng vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sau một thời gian dài khảo sát và nghiên cứu, “Đề án mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot”, do trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) xây dựng đã được phê duyệt và trong mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường sẽ tiến hành tuyển sinh và tổ chức đào tạo chuyên ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo với 60 chỉ tiêu.

Theo PGS.TS Dương Phạm Tường Minh, Trưởng Khoa Cơ Khí, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp: Ngành Kỹ thuật Robot là một trong những ngành Kỹ thuật nằm trong danh mục ngành đào tạo thí điểm được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành vào năm 2024. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chúng ta có thể thấy các sản phẩm kỹ thuật tự động, các nhà máy dây chuyền tự động xuất hiện mọi nơi. Với xu thế công nghệ hiện đại, kỹ sư kỹ thuật robot ra trường có nhiều cơ hội làm việc trong các tập đoàn sản xuất lớn. Kỹ thuật robot là nghề nghiệp tương lai của kỷ nguyên số.

 Robot ABB tại Phòng thực hành Robot Công nghiệp của Khoa Cơ khí, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

Robot ABB tại Phòng thực hành Robot Công nghiệp của Khoa Cơ khí, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Dương Phạm Tường Minh, ngành Kỹ thuật robot với chuyên ngành Robot và Trí tuệ Nhân tạo có tính liên ngành cao, là sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, robot, cơ điện tử, điều khiển, tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin,... và trí tuệ nhân tạo. Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật robot của trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên được thiết kế với định hướng ứng dụng.

Sinh viên sau khi ra trường sẽ có khả năng như: Ứng dụng những công cụ hiện đại trong thiết kế robot và các hệ thống tự động. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lập trình điều khiển robot và các hệ thống tự động và quản lý vận hành robot và các hệ thống tự động.

Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong đào tạo

Trong tất cả các chương trình đào tạo của trường đại học kỹ thuật công nghiệp, ngoài trang bị đầy đủ cho sinh viên những kiến thức sâu và rộng về lĩnh vực Robot, nhà trường luôn chú trọng tới việc đào tạo huấn luyện các kỹ năng nghề nghiệp thông qua hoạt động thực hành, thực tập và làm đồ án.

Để chuẩn bị cho công tác đào tạo ngành Kỹ thuật Robot, nhà trường đã chủ động liên kết với công ty TNHH ABB Automation and Electrification và công ty TNHH Cognex Việt Nam để thành lập phòng thí nghiệm Robot ABB với đầy đủ modul xử lý ảnh của hãng Cognex. Đây là một trong những phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất, giúp sinh viên được thực hành và xử lý các tình huống sát với môi trường làm việc thực tế.

Ngoài ra, Nhà trường thường xuyên tổ chức các khóa trải nghiệm ngắn hạn tại các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu, giúp sinh viên tiếp cận các công việc thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và có cơ hội được tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Chinh, Giám đốc Kinh doanh công ty TNHH Cognex Việt Nam cho biết: Đơn vị đã tài trợ hai hệ thống machine vision để phục vụ cho việc giảng dạy của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, đồng thời đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, xử lí phát sinh sự cố nhằm đảm bảo tính hoạt động liên tục của hệ thống trong quá trình sử dụng, đào tạo sinh viên, cài đặt và đào tạo phần mềm mô phỏng Cognex Vision Suit trên 100 máy tính trong suốt quá trình hai bên duy trì hợp tác để phục vụ cho việc đào tạo.

 Đoàn chuyên gia đánh giá Chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Quốc tế AUN-QA khảo sát cơ sở vật chất tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

Đoàn chuyên gia đánh giá Chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Quốc tế AUN-QA khảo sát cơ sở vật chất tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

Ngoài ra, công ty cũng ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp trên cơ sở cùng phối hợp, phát huy chức năng của mỗi bên, huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo sinh viên, phổ cập kiến thức về Robot và sản phẩm công nghiệp.

Ở Việt Nam, mặc dù đây là ngành nghề khá mới, nhưng Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, những kỹ sư Kỹ thuật Robot trong tương lai sẽ luôn có những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Trước khi mở ngành đào tạo, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng kỹ sư ngành Kỹ thuật robot của 50 doanh nghiệp thuộc 15 tỉnh và thành phố phía bắc. Kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư ngành Kỹ thuật Robot của 50 Doanh nghiệp này là khoảng 3000 kỹ sư/1 năm.

Như vậy, có thể thấy sức hút từ ngành Kỹ thuật Robot là rất lớn, do đó việc mở ngành mới và đào tạo bài bản sẽ góp phần đáp ứng và nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/robot-va-tri-tue-nhan-tao-xu-huong-cach-mang-cong-nghiep-40-post691199.html