Rời giường bệnh, mẹ lên Hà Nội làm giúp việc nuôi con học đại học
Vừa khỏi trận ốm suốt 2 năm, mẹ tôi đã vội lên Hà Nội làm giúp việc để quyết tâm cho tôi học xong đại học. Chị H. đã mở đầu câu chuyện về người mẹ của mình như vậy.
Khó khăn đổ dồn, mẹ ốm, bố bỏ việc nhà nước làm thợ xây
Gia đình chị Ngô Thị H. (Ninh Giang – Hải Dương) không thuộc dạng khá giả nhưng với công việc ổn định của bố và sự chịu thương chịu khó, tần tảo ngược xuôi buôn thúng bán mẹt của mẹ nên 3 chị em đều được ăn học đàng hoàng. Nhưng rồi không may giữa khi cuộc sống đang êm đềm thì mọi khó khăn bỗng từ đâu ập xuống khiến gia đình chị lâm vào cảnh túng quẫn, lao đao.
Mỗi lần nhắc lại kỉ niệm cũ, trong lòng chị lại dâng lên nỗi xúc động nghẹn ngào cũng như lòng biết ơn sâu sắc đối với người cha, người mẹ vĩ đại đã hi sinh, chịu nhiều tủi hờn để cho chị và các em có cuộc sống như ngày hôm nay.
“Nhớ năm ấy bố tôi đang làm công nhân cho cơ quan nhà nước. Mẹ bỗng dưng đổ bệnh nằm liệt. Nhà 3 đứa con thơ. Năm ấy tôi đang học lớp 8, đứa em thứ 2 học lớp 5 và đứa út mới học lớp 2. Mọi gánh nặng gia đình đổ cả lên đôi vai của bố”, chị H. nhớ lại.
Mẹ chị, người phụ nữ hiền lành có sức khỏe dẻo dai đột ngột đổ bệnh. Vậy là tất cả kinh tế gia đình trông cả vào đồng lương của bố. Ngày ấy ai nhìn vào nhà chị cũng đều lắc đầu ngao ngán. Dường như chẳng còn lối thoát nào cho gia đình chị cả.
Rồi bố chị quyết định bỏ việc để về chăm mẹ đồng thời bán nhà để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Cùng với đó bố chị đành chấp nhận làm thợ xây thuê gần nhà thay vì tiếp tục ở lại làm nhà nước chỉ để có thời gian nhiều hơn để chăm vợ và các con. Nhờ sự chăm sóc của bố và gia đình, mẹ chị khỏe lại bằng cách nào đó rất thần kì sau gần 2 năm.
Mẹ chị hết bệnh, cả nhà đều mừng vui, bố chị bảo còn người là còn của. Nhưng thực sự từ ngày ấy, khó khăn chồng chất khó khăn đối với gia đình chị.
Chị H kể lại: “Nhớ những ngày tôi bắt đầu vào đại học, mỗi lần tới kì đóng học phí hay tiền nhà là mẹ phải chạy vạy khắp nơi. Có khi để vay được năm trăm nghìn mẹ phải đạp xe đi vay mấy buổi trưa. Vào hết nhà này nhà kia hỏi vay. Vay tính lãi ngày, lãi tháng hoặc tới mùa thì trả lúa...”
Mẹ làm giúp việc quyết nuôi con học đại học
Chị H. vào đại học cũng là lúc gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà cửa gần như khánh kiệt. Nhưng sự học của các con không thể ngừng, mẹ chị quyết định lên Hà Nội làm giúp việc mong kiếm chút tiền trang trải cho gia đình và lo cho con cái.
Chị H. kể trong dòng nước mắt chực rơi: “Tối hôm trước mẹ đánh điện cho tôi. Mẹ bảo mai mẹ lên Hà Nội nhận việc, có người giới thiệu mẹ đi làm osin cho 1 gia đình trên đó. Tôi bảo sức khỏe của mẹ còn yếu, đi làm osin trên này vất vả lắm. Nhưng mẹ bảo mẹ làm được, năm nay mất mùa, bố cũng ít việc nên mẹ đi làm kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con....
Hôm sau tôi dậy từ sáng sớm ra bến xe đón mẹ. Ngày đó chẳng có điện thoại di động như bây giờ. Đứng chờ chuyến xe quê, tôi nhìn vào đám đông không dám chớp mắt vì sợ mẹ xuống xe không thấy tôi đâu. Tôi sợ mẹ lạc vì đường phố Hà Nội mẹ đâu quen thuộc.
Cuối cùng cũng nhìn thấy bóng mẹ. Mẹ lên đi làm mang theo hai cái bao tải. Một tải đựng quần áo của mẹ, một tải đựng gạo với ít đồ ăn bố mẹ chuẩn bị sẵn ở quê để mang ra cho tôi.
Địa chỉ chủ nhà nơi mẹ nhận việc cách bến xe chừng 2 cây số, mẹ bảo đi bộ cũng được. Hai mẹ con xách mỗi người 1 tải, trời thì nắng. Cầm chặt tay mẹ, trong tâm tư của đứa sinh viên nghèo 19 tuổi không thấy tủi hèn tí nào, chỉ thấy thương mẹ vì mẹ ốm đau bệnh tật vậy mà sao cứ phải lam lũ khổ sở thế này.
Đến nhà chủ thuê mẹ làm, người phụ nữ tóc bạc bước ra dẫn 2 mẹ con đi vào trong nhà. Chưa kịp uống ngụm nước cho đỡ khát, người phụ nữ kia bảo mẹ đi lấy cây lau nhà để lau nhà đi. Hôm đó trong nhà cũng có rất nhiều đứa cháu của bà ấy, cũng trạc tuổi tôi nhưng thấy mẹ tôi chúng đều khinh khỉnh ra mặt, không ai chào mẹ lấy 1 câu. Mẹ tôi quay ra bảo con về đi kẻo nắng, để mẹ đi dọn dẹp. Rồi mẹ nhắp nhắp mắt quay đi cố gắng để hàng nước mắt không rơi xuống.
Tôi chào mẹ rồi chạy vội ra ngoài, vừa đi vừa khóc, nước mắt thi nhau rơi xuống không ngừng. Tôi cảm thấy xót xa, tủi thân cho cả mình, cả mẹ và gia đình tôi. Nghèo thật sự đáng sợ... Tôi nhất định sẽ thay đổi cuộc sống này của gia đình, tôi còn phải báo hiếu cha mẹ và chăm sóc các em tôi nữa”.
Trải qua ngần ấy năm tháng, gặp khó khăn nào chị cũng không bao giờ bỏ cuộc. Mỗi lần đứng trước 1 khó khăn chị lại động viên mình rằng đó chỉ là 1 phép thử lòng. Mẹ đi làm osin, làm giúp việc, đó là nỗi đau nhắc chị luôn nhớ rằng, vì cần tiền cho chị và các em ăn học mà mẹ phải rời cha con chị đi giúp việc cho nhà người ta.
“Nhờ những đồng lương mẹ đi làm giúp việc mà tôi được học hành đầy đủ, được nuôi dạy thành người. Ra trường tôi đã có công việc ổn định và ở lại thủ đô. Chính sự hi sinh của cha, sự tảo tần của mẹ, nhất là ở thời điểm mẹ đi làm giúp việc nhà đã dạy cho tôi ý chí nỗ lực trong cuộc sống, sống tốt hơn, sống đẹp hơn”, chị H. nghẹn ngào.