Rối loạn lo âu ở người nhiễm HIV/AIDS
Người nhiễm HIV/AIDS có thể gặp các tình trạng xấu về sức khỏe tâm thần. Trong đó rối loạn lo âu tác động tiêu cực trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và tuân thủ điều trị thuốc ở người bệnh. Vậy biểu hiện của rối loạn lo âu như thế nào và cách khắc phục ra sao?
Rối loạn lo âu là một loại tình trạng sức khỏe tâm thần. Khi mắc chứng rối loạn lo âu, người bệnh có thể phản ứng với những tình huống nhất định bằng sự sợ hãi và có thể gặp các dấu hiệu lo lắng về thể chất như tim đập thình thịch, đổ mồ hôi. Rối loạn lo âu cản trở các hoạt động hàng ngày, làm suy giảm cuộc sống gia đình, xã hội và trường học hoặc công việc của một người.
1. Biểu hiện và phân biệt các rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu có đặc điểm chung là sợ hãi quá mức với các mối đe dọa và lo lắng về tương lai. Rối loạn lo âu khác với lo âu thông thường ở sự quá mức, kéo dài dai dẳng từ vài tháng.
Các triệu chứng khác của rối loạn lo âu như: Khó tập trung và khó đưa ra quyết định; cảm thấy cáu kỉnh, căng thẳng hoặc bồn chồn; cảm thấy buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa; tim đập nhanh, run rẩy, đổ mồ hôi; khó ngủ; lo lắng nguy hiểm sắp xảy ra, cảm thấy hoảng loạn.
Có nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau được phân biệt như sau:
2. Ảnh hưởng của rối loạn lo âu đến người nhiễm HIV/AIDS
Rối loạn lo âu là rối loạn tâm thần phổ biến nhất với biểu hiện là lo lắng và thường gặp sau khi người bệnh được chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS. Rối loạn lo âu dường như có thể bùng phát vào những thời điểm quan trọng như tại thời điểm đầu tiên chẩn đoán HIV/AIDS, chẩn đoán nhiễm trùng cơ hội, tăng tải lượng virus hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác nhắc nhở về tình trạng nhiễm HIV/AIDS đang diễn ra.
Những điều này có thể gây ra lo lắng, thậm chí gây ra các triệu chứng rối loạn hoảng sợ và trầm cảm đối với người nhiễm HIV/AIDS. Rối loạn lo âu cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm, gây rối loạn sử dụng chất gây nghiện, dẫn đến tình trạng không tuân thủ điều trị thuốc, tăng nguy cơ có ý nghĩ và hành vi tự sát.
3. Người nhiễm HIV/AIDS mắc rối loạn lo âu nên làm gì?
Can thiệp tâm lý là phương pháp điều trị cần thiết bằng cách tham vấn tâm lý với các nhân viên y tế hoặc chuyên gia tâm lý. Chuyên gia tâm lý có thể giúp người nhiễm HIV/AIDS học được cách đối mặt với những tình huống, sự kiện, con người hoặc địa điểm khiến họ lo lắng.
Điều trị bằng thuốc cũng là công cụ hiệu quả giúp người nhiễm HIV/AIDS chống lại chứng rối loạn lo âu. Các loại thuốc dùng để điều trị rối loạn lo âu như các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI); benzodiazepin, thuốc kháng histamin, thuốc chẹn beta-adrenergic, thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm ba vòng... Tất cả các loại thuốc điều trị cần được theo dõi bởi bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ xem xét tương tác thuốc và các tác dụng phụ tiềm ẩn của chúng.
Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc khác cho chứng lo âu liên quan đến HIV/AIDS bao gồm thư giãn cơ bắp, trị liệu hành vi, châm cứu, kỹ thuật thiền định, tự thôi miên và liệu pháp tâm lý hình ảnh cá nhân, nhận thức - hành vi trị liệu, giáo dục tâm lý và hỗ trợ trị liệu nhóm.
Để giúp kiểm soát các triệu chứng lo âu và nâng cao sức khỏe tổng thể, người nhiễm HIV/AIDS cần tập thể dục thường xuyên, duy trì thói quen ăn uống đều đặn và lành mạnh. Ngoài ra, cần tránh hoặc cắt giảm rượu và không sử dụng ma túy trái phép, điều này có thể làm cho tình trạng lo lắng trở nên tồi tệ hơn.
Tóm lại, rối loạn lo âu ảnh hưởng đến quá trình điều trị và chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS cần được hỗ trợ, điều trị sớm các bệnh lý không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn cả về sức khỏe tâm thần.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/roi-loan-lo-au-o-nguoi-nhiem-hiv-aids-169231125095414601.htm